PV: Kết quả thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua đã góp phần thúc đẩy KT-XH vùng DTTS và miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế như thế nào, thưa ông?
Ông Hồ Xuân Trăng: Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban ngành và địa phương; sự nỗ lực, quyết tâm của các cán bộ công chức làm công tác dân tộc ở các cấp; Ban Dân tộc với vai trò là cơ quan tham mưu về công tác dân tộc, luôn nâng cao tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao, các nhiệm vụ trọng tâm đều được hoàn thành, từ đó góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc nói riêng và các chính sách an sinh xã hội nói chung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Có thể khẳng định: Việc triển khai thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong thời gian vừa qua đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, bộ mặt nông thôn miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS trên địa bàn được ổn định và ngày càng cải thiện so với những năm trước đây. Các chương trình, chính sách như: Chương trình 135, Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các gia đình chính sách, đồng bào DTTS theo Quyết định 2085/QĐ-TTg Chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định 12/2018/QĐ-TTg... phát huy có hiệu quả. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020 giảm còn 16,40% (so với năm 2016: 33,71%, bình quân mỗi năm giảm 3 - 4%). Thu nhập bình quân đầu người đạt 28 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 1,5 lần so với năm 2016).
PV: Chương trình MTQG đã được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện như thế nào, có khó khăn, vướng mắc gì, thưa ông?
Ông Hồ Xuân Trăng: Tỉnh Thừa Thiên Huế xác định thực hiện Chương trình MTQG là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh, cũng như góp phần cùng các địa phương khác trong cả nước thực hiện hoàn thành các mục tiêu của các Chương trình MTQG đã được Quốc hội quyết nghị. Đến nay, Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo giảm nghèo. UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; ban hành Quyết định về thành lập Văn phòng điều phối Chương trình MTQG tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030.
Ban Dân tộc phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hoàn thiện dự thảo Tờ trình ban hành Nghị quyết quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025; hoàn thiện phương án phân bổ vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 4 của HDND tỉnh.
Ban Dân tộc với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Chương trình MTQG theo Quyết định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu “Đề án phát triển kinh tế xã hội vùng DTTS và miền núi tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030”. Đến nay, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã cho ý kiến để chỉ đạo hoàn thiện đề án, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Tham mưu Kế hoạch thực hiện Chương MTQG tỉnh Thừa Thiên Huế; chỉ đạo các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi rà soát, thống nhất danh mục, chuẩn bị đầu tư; trên cơ sở dự kiến kinh phí chương trình, Ban Dân tộc đã phối hợp với các sở, ngành phân khai vốn giai đoạn 2021 - 2025, năm 2022 với các nội dung, hạng mục cụ thể.
Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn có một số khó khăn, vướng mắc, cần sớm được tháo gỡ, như: Nhiều bộ, ngành chưa có thông tư, hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung của Chương trình. Kinh phí sự nghiệp dự kiến phân bổ trong kế hoạch năm 2021 và 2022 ở một số dự án, tiểu dự án lớn, khó giải ngân hết trong thời gian còn lại trong năm 2022. Thời gian còn lại trong năm 2022 để triển khai rất ít, chủ yếu là mùa mưa nên dự báo tiến độ triển khai các hoạt động của các tiểu dự án, dự án ở thực địa là khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ của Chương trình, nhất là các hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp và công trình đầu tư cơ sở hạ tầng.
PV: Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG, giai đoạn I: từ năm 2021 - 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra những mục tiêu và giải pháp gì, thưa ông?
Ông Hồ Xuân Trăng: Hiện, tỉnh đã và đang phát huy mọi tiềm lực và lợi thế của miền núi để tiếp tục xây dựng phát triển công nghiệp chế biến gắn với phát triển dịch vụ và du lịch theo hướng bền vững, đảm bảo ngày càng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế ở vùng DTTS và miền núi. Tập trung xây dựng vùng nguyên liệu và phát triển các sản phẩm dược liệu thành ngành sản xuất hàng hóa, từng bước đảm bảo cung cấp đủ số lượng, chủng loại dược liệu cho công nghiệp sản xuất, bào chế thuốc, công nghiệp dược hóa và dùng trong y học cổ truyền; gắn với công tác bảo tồn, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên.
Chú trọng ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ phù hợp với điều kiện thực tế, trình độ phát triển của đồng bào DTTS và miền núi và xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, liên kết giữa người dân và doanh nghiệp trong việc ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ nhằm phát triển kinh tế - xã hội đồng bào DTTS và miền núi. Lồng ghép thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến công thông qua việc tổ chức các lớp dạy nghề cho thành viên các HTX và người lao động ở vùng DTTS và miền núi, giúp cho đồng bào có thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế tập thể, HTX ở các vùng DTTS và miền núi.
Đồng thời, tập trung củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đối với học sinh DTTS; thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; vận động đồng bào thực hiện tốt chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; tiếp tục phối hợp thực hiện kế hoạch giúp đỡ hộ nghèo; thực hiện tốt chế độ bảo hiểm y tế đối với đồng bào DTTS, hộ nghèo. Tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa bản sắc dân tộc bao gồm tiếng nói, dân ca, dân vũ, lễ hội, nhà truyền thống, nghề dệt zèng, đan lát…
Tỉnh sẽ tiếp tục có các chính sách thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nhà đầu tư trực tiếp hoặc liên kết sản xuất kinh doanh. Nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương đảm bảo mục tiêu đến năm 2030 như: Hỗ trợ người lao động học nghề, tư vấn, định hướng đào tạo nghề đang có nhu cầu tại địa phương, quan tâm hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.
PV: Ông có đề xuất, kiến nghị gì với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG để Chương trình sớm đi vào cuộc sống, góp phần phát triển KT-XH ở vùng DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế?
Ông Hồ Xuân Trăng: Để Chương trình MTQG sớm đi vào cuộc sống, góp phần phát triển KT-XH ở vùng DTTS tỉnh Thừa Thiên Huế, đề nghị các bộ, ban ngành chủ quản Chương trình MTQG sớm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, giám sát, hướng dẫn quá trình triển khai thực hiện, để có các biện pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, vì mục tiêu phát triển bền vững KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
PV: Xin cảm ơn ông!