Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Thúc đẩy công khai, minh bạch, khách quan của hoạt động đấu giá tài sản

Hoàng Quý - 13:30, 28/11/2023

Sáng 28/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá việc Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản nhằm xã hội hóa, chuyển đổi số, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, khắc phục những hạn chế, bất cấp về thể chế, thúc đẩy công khai, minh bạch, khách quan của hoạt động đấu giá, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định)
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định)

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định): Nâng cao chuyên nghiệp hóa nghề nghiệp đấu giá viên

Về đấu giá viên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy bày tỏ thống nhất với quy định bỏ điều kiện phải có thời gian làm việc mới được tham gia đào tạo đấu giá và bỏ điều kiện miễn đào tạo đấu giá đối với người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về bồi dưỡng bắt buộc, cập nhật nghiệp vụ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy nhấn mạnh điều này để nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ của đấu giá viên trong thực hiện nhiệm vụ, đồng thời cần cập nhật kiến thức mới, quy định khung thời gian cần tham gia cập nhật kiến thức, cơ quan quyết định phê duyệt chương trình nội dung bồi dưỡng bắt buộc.

Dự thảo Luật quy định chặt chẽ về điều kiện hành nghề, điều kiện tổ chức đấu giá, chế tài xử lý vi phạm…để bảo đảm đấu giá không chỉ trong nước mà cả trường hợp người nước ngoài tham gia nên cần yêu cầu đấu giá viên đủ kiến thức, năng lực khi thực hiện nhiệm vụ; hạn chế thấp nhất lỗi chủ quan do đấu giá viên gây ra. Ngoài ra, cũng cần có quy định chế độ phụ cấp, trích thưởng để đấu giá viên sống được bằng nghề, phòng tránh vi phạm.

Về chế tài, đề nghị bổ sung quy định chi tiết về các trường hợp, các thiệt hại, chi phí phải bồi thường khi người tham gia bỏ cọc và phải tổ chức đấu giá lại để bảo đảm răn đe.

Dự thảo luật quy định các hình thức đấu giá, đại biểu quan tâm đến trình tự, thủ tục của đấu giá trực tuyến, đề nghị nghiên cứu có quy định thành chương riêng nhằm tạo công khai, minh bạch trong đấu giá, nhất là đấu giá tài sản công.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông)
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông)

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông): Không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản

Đại biểu cho rằng, hiện nay, trong hoạt động đấu giá còn những bất cập, tiêu cực như: Tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, khống chế giá; còn tình trạng thông đồng giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá; quy định về áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập…

Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công, không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản; tiếp tục nghiên cứu, quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; quy định cụ thể về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản thuộc quyền sử hữu của Nhà nước; đối với tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước có mức giá khởi điểm trên 500 triệu đồng, buộc phải tiến hành đấu giá theo hình thức trực tuyến.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng)
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng)

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng): Quy định về tài sản đấu giá còn chung chung, chưa cụ thể

Tham gia ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho biết, về tài sản đấu giá, dự thảo luật quy định, tài sản đảm bảo theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Đại biểu cho rằng quy định như vậy còn chung chung, vì theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 thì tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, tài sản bao gồm bất động sản và động sản.

Như vậy, tài sản bảo đảm là vật, bất động sản, động sản thì có thể đưa ra đấu giá được, còn nếu tài sản là tiền, giấy tờ có giá, thì bản thân tài sản đó đã có giá, không thể đấu giá được. Đại biểu đề nghị dự thảo luật sửa lại theo hướng: Tài sản bảo đảm thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, trừ tài sản bảo đảm là tiền, giấy tờ có giá.

Dự thảo luật cũng có quy định, tài sản của hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX phá sản theo quy định của pháp luật về HTX. Khi HTX phá sản, tài sản của HTX, liên hiệp HTX phá sản được đem đấu giá để thanh toán các khoản nợ, do đó những tài sản này phải được quy định theo Luật Phá sản chứ không phải chỉ theo quy định của Luật HTX. Đại biểu đề nghị cần rà soát, bổ sung nội dung này đảm bảo đầy đủ và bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận sáng nay đã có 26 đại biểu phát biểu, 1 đại biểu tranh luận. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã giải trình, làm rõ một số ý kiến của các Đại biểu Quốc hội.

Ý kiến của các Đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để xây dựng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7.