Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, thông qua vào năm 1997. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Từ ngày 1/1/2022, thị trường carbon chính thức ra đời tại Việt Nam theo Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi, đây là bước đi quan trọng của Chính phủ nhằm đạt các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sự đổi mới công nghệ sạch và tăng cường đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về biến đổi khí hậu.
Nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt xu thế chuyển đổi sản xuất xanh, phát triển vùng trồng nguyên liệu sạch. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, hiện nay vẫn chưa có chính sách cụ thể để triển khai tận dùng nguồn thu nhập mới này.
Theo ông Phan Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Dừa nước Việt Nam dự báo sau khi có chính sách về giao dịch tín chỉ carbon, giá trị cây dừa nước có thể tăng gấp 50 - 100 lần. Ông Phan Minh Tiến chỉ ra rằng, hiện nay, 1 héc-ta dừa nước có thể gấp thụ tới 137 tấn carbon/năm; trong khi đó, việc khai thác mật dừa nước còn làm tăng lượng carbon được gấp thụ và chuyển hóa. Ông Phan Minh Tiến cho rằng nếu có cơ chế, quy định, thì việc bán tín chỉ carbon là điều hoàn toàn có thể.
Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước.
Trong đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.
Giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
Để từng bước hiện thực hóa chiến lược này, ngày 22/10/2020, thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) đã được ký kết giữa Việt Nam và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới đối với 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, giai đoạn 2018-2024. Theo ERPA, Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 cho Ngân hàng Thế giới với tổng giá trị là 51,5 triệu USD, tương đương 1.200 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP 26), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) đã ký Ý định thư thiết lập hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh giảm phát thải và tăng cường tài chính lâm nghiệp (LEAF).
Theo đó, hai bên đồng ý đàm phán, ký kết và thực hiện Thỏa thuận mua bán giảm phát thải từ rừng của 11 tỉnh vùng Tây nguyên và Nam Trung bộ (ERPA). Dự kiến, Việt Nam sẽ chuyển nhượng cho LEAF/Emergent 5,15 triệu tấn CO2 giảm phát thải từ rừng tại vùng Tây Nguyên và Nam Trung bộ giai đoạn 2022-2026 với giá là 10 USD/1 tấn CO2. Diện tích rừng tham gia chương trình dự kiến 4,26 triệu ha, gồm 3,24 triệu ha rừng tự nhiên và 1,02 triệu ha rừng trồng.
Theo nhận định của ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, trong tương lai, nếu mở rộng diện tích rừng tham gia vào thỏa thuận, trao đổi kết quả giảm phát thải của LEAF, Việt Nam sẽ có thêm kênh huy động tài chính hiệu quả, giảm gánh nặng cho nguồn lực ở trong nước đầu tư vào trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, chương trình này sẽ tạo ra động lực thu hút người dân chủ động, tích cực tham gia vào công tác bảo vệ, phát triển rừng.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Bảo để tận dụng tiềm năng việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng, trong thời gian tới, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý cùng các hướng dẫn cụ thể, chi tiết về loại dịch vụ mới này, xây dựng hệ thống giám sát, đánh giá, đo đạc, kiểm định theo tiêu chuẩn, đào tạo, tăng cường năng lực cán bộ, kết nối và huy động sự đóng góp, hỗ trợ từ các đối tác quốc tế ....
Do đó, cần có sự đồng thuận và hợp tác giữa các bên liên quan, cũng như sự hỗ trợ từ các đối tác quốc tế, để xây dựng và vận hành thị trường carbon hiệu quả, công bằng.
Như vậy, tín chỉ carbon thực sự là một giá trị của hệ sinh thái rừng, có thể xem như chìa khóa mở ra cánh cửa tương lai xanh, thúc đẩy Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.