Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS từ kinh tế rừng: Giải bài toán rừng chưa có chủ (Bài 2)

Sỹ Hào - 21:05, 31/03/2024

Trong khi nhiều hộ gia đình DTTS sống gần rừng không có (hoặc thiếu đất sản xuất) thì hiện vẫn còn khoảng 3,4 triệu ha rừng nghèo, rừng nghèo kiệt và đất chưa có rừng, chưa được giao cho các chủ thể, mà vẫn tạm để UBND cấp xã quản lý. Tình trạng rừng chưa có chủ, thậm chí để đất trống, đồi trọc vừa lãng phí tài nguyên rừng và đất rừng, đồng thời là rào cản trong việc triển khai chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển sản xuất lâm nghiệp.

Đất đai là tài sản đặc biệt, là nguồn nội lực quan trọng và là nguồn vốn to lớn của đất nước; là tư liệu sản xuất chủ yếu đặc biệt trong sản xuất lâm nghiệp. (Trong ảnh: Nhân dân xã Tà Mung, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu trồng chè trên đất đồi góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững).
Đất đai là tài sản đặc biệt, là nguồn nội lực quan trọng và là nguồn vốn to lớn của đất nước; là tư liệu sản xuất chủ yếu đặc biệt trong sản xuất lâm nghiệp. (Trong ảnh: Nhân dân xã Tà Mung, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu trồng chè trên đất đồi góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững).

Lãng phí tài nguyên

Tại Hội thảo “Giải pháp thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới” được tổ chức ngày 27/2/2024, PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam, đã đưa ra những thông số đáng suy ngẫm về diện tích rừng chưa được giao cho các chủ thể để phát triển kinh tế lâm nghiệp - là diện tích mà ông Ngãi tạm gọi là rừng chưa có chủ. Theo đó, cả nước hiện có 3.422.190ha rừng chưa giao, đang tạm giao UBND cấp xã quản lý.

“Hầu hết diện tích rừng này nằm ở vùng sâu, vùng xa; nhiều diện tích đang để hoang hóa hoặc đang sử dụng vào các mục đích ngoài lâm nghiệp; nhiều nơi bị lấn chiếm, một số nơi có xung đột, tranh chấp”, ông Ngãi khẳng định.

Dẫn chứng cho nhận định này, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam đưa ra số liệu điều tra sơ bộ về diện tích rừng do UBND cấp xã đang quản lý tại 5 tỉnh: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Nam, Đăk Lăk, Tây Ninh. Tại các địa phương này, rất nhiều diện tích rừng, đất rừng là rừng nghèo kiệt hoặc đang được sử dụng cho mục đích ngoài lâm nghiệp, hoặc để đất trống.

Việc hàng triệu ha rừng ở trong tình trạng nghèo kiệt, thậm chí vẫn còn là đất trống đồi trọc là rất lãng phí. Do đó, Nhà nước có cơ chế chính sách đẩy nhanh việc giao đất giao rừng để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế lâm nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội chủ rừng Việt Nam

Đơn cử tại tại Thái Nguyên, theo ông Ngãi, toàn tỉnh này hiện có 100.292ha rừng, đất rừng đang tạm giao UBND cấp xã thì có tới 35.264ha không có rừng. Còn tại Tuyên Quang, toàn tỉnh có 257.010ha rừng, đất rừng đang do UBNS xã quản lý. Thì 50% diện tích là rừng tự nhiên, 40% diện tích là rừng trồng, 3% diện tích là đất trống, 6% trồng cây nông nghiệp và 1% sử dụng vào mục đích khác. Tại Đăk Lăk có 98.751ha rừng do UBND cấp xã quản lý thì có tới 48.600ha là rừng nghèo kiệt.

“Hầu hết các địa phương chưa có phương án hoặc không có kế hoạch sử dụng đối tượng rừng và đất rừng này. Đây là một dư địa tiềm năng lớn của ngành Lâm nghiệp nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS nói chung”, ông Ngãi khẳng định.

Theo ông Ngãi, việc quản lý và sử dụng có hiệu quả hơn 3,4 triệu ha rừng, đất rừng hiện đang tạm giao UBND cấp xã quản lý sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS. Ông đề xuất cần xây dựng và tổ chức thực hiện một chương trình phục hồi 3,4 triệu ha rừng này theo phương thức hợp tác quản lý phù hợp cho từng loại rừng; trong đó chú trọng giao đất, giao rừng cho cộng đồng để thực hiện quản lý rừng cộng đồng; giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân để tạo sinh kế bền vững.

Sử dụng hiệu quả quỹ đất

Thực tế cho thấy, diện tích rừng, đất rừng hiện đang tạm giao UBND cấp xã quản lý cần được khai thác để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên rừng, đất rừng, từ đó nâng cao thu nhập cho người trồng rừng. Đồng thời, đây cũng là quỹ đất cần được sử dụng để giải quyết tình trạng không có, hoặc thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Đơn cử tại Tuyên Quang, theo thống kê, hiện còn hàng nghìn hộ gia đình DTTS không có hoặc thiếu đất sản xuất. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg, do xác định không còn quỹ đất, tỉnh Tuyên Quang chỉ thực hiện hỗ trợ đất sản xuất cho 213 và hỗ trợ 11.054 hộ thiếu đất sản xuất bằng hình thức chuyển đổi nghề (trong đó có một bộ phận thực sự có nhu cầu chuyển đổi nghề).

Trong khi đó, toàn tỉnh vẫn còn 3% trong tổng diện tích 257.010ha rừng, đất rừng (tương ứng khoảng 7.710,3ha) đang do UBNS xã quản lý là đất trống. Nếu diện tích đất trống này được lập kế hoạch để giao đất, giao rừng thì việc giải bài toán thiếu đất sản xuất cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh là hoàn toàn khả thi.

Trong khi tình trạng thiếu đất sản xuất vẫn xảy ra ở một bộ phận đồng bào DTTS thì vẫn còn một diện tích đất hoang hóa, sử dụng ngoài mục đích lâm nghiệp. (Ảnh minh họa)
Trong khi tình trạng thiếu đất sản xuất vẫn xảy ra ở một bộ phận đồng bào DTTS thì vẫn còn một diện tích đất hoang hóa, sử dụng ngoài mục đích lâm nghiệp. (Ảnh minh họa)

Cũng như Tuyên Quang, các địa phương có diện tích đất hoang hóa hoặc đang sử dụng vào các mục đích ngoài lâm nghiệp đang do UBND cấp xã quản lý cần đẩy mạnh giao đất, giao rừng để khai thác tối đa nguồn lực đất đai, đồng thời giải quyết vấn đề cấp thiết trong vùng đồng bào DTTS. Điều này cũng phù hợp với quy định mới trong Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024.

Theo ông Hà Công Tuấn, Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam – nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT, trong Luật Đất đai (sửa đổi), nhóm đất chưa sử dụng là đất chưa xác định mục đích sử dụng và chưa giao, chưa cho thuê; với đất lâm nghiệp thì đó là đất chưa có rừng sau khai thác trắng hoặc đất trống, đồi núi trọc, núi đá,… được quy hoạch cho phát triển rừng bằng biện pháp trồng rừng mới, trồng tái canh hoặc khoanh nuôi tái sinh.

“Đây là quy định mới so với Luật Đất đai 2013. Quy định này khắc phục được thực trạng thống kê, quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp thiếu nhất quán hiện nay, là cơ sở để phát triển lâm nghiệp một cách bền vững hơn”, ông Tuấn cho biết.

Việc quản lý, sử dụng hiệu quả diện tích hơn 3,4 triệu ha rừng, đất rừng đang do UBND cấp xã quản lý, trong đó chú trọng công tác giao rừng, đất rừng sẽ là một trong những nhiệm vụ để đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào thực tiễn. Cùng với đó, theo TS. Nguyễn Văn Tiến – nguyên Vụ trưởng Vụ NN&PTNT (Ban Kinh tế Trung ương), Bộ NN&PTNT cùng với các địa phương cần quản lý hiệu quả quỹ đất có nguồn gốc nông, lâm trường, trong đó chú trọng công tác sắp xếp, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất tại các công ty nông, lâm nghiệp hiện nay.

“Đất đai là tài sản đặc biệt, là nguồn nội lực quan trọng và là nguồn vốn to lớn của đất nước; là tư liệu sản xuất chủ yếu đặc biệt trong sản xuất lâm nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp hiện nay chưa cao, ảnh hưởng đến đời sống, thu nhập của người trồng rừng, bảo vệ rừng. Do đó cần sửa đổi cơ chế, chính sách sử dụng linh hoạt, hiệu quả quỹ đất lâm nghiệp, theo nhu cầu của thị trường, nâng hiệu quả sử dụng đất, thu nhập, đời sống của người trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái”, ông Tiến nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Tại tọa đàm tham vấn “Ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đến ngành phân bón” mới đây, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã khẳng định, cần chuyển đổi áp thuế GTGT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên.