Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Thực hiện Chính sáCh Cho Thanh niên DTTS: Những “khoảng trống” cần được lấp đầy

PV - 21:38, 30/01/2018

Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt nam, hiện cả nước có khoảng 3,7 triệu thanh niên DTTs. Dù có nhiều chính sách hỗ trợ thanh niên DTTs khởi nghiệp nhưng hiệu quả chưa như mong đợi. Thiếu đất sản xuất, thu nhập bấp bênh nhưng thanh niên DTTs không muốn đi học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp.

Nghèo vì thiếu đất sản xuất
Có bao nhiêu thanh niên DTTs đã được đào tạo để chuyển đổi nghề khi thiếu đất sản xuất? (Ảnh minh họa Có bao nhiêu thanh niên DTTS đã được đào tạo để chuyển đổi nghề khi thiếu đất sản xuất? (Ảnh minh họa)

 

Từ đường mòn Hồ Chí Minh lên xã biên giới Hóa Sơn (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) chưa đầy 5km, nhưng cái cảm giác vừa cao, vừa xa cứ dấm dẳng tâm trí. Vượt đèo Lập Cập, Hóa Sơn hiện ra với trùng điệp núi đồi. Cái nghèo của Hóa Sơn không hiện rõ như những bản làng khác mà nằm khuất dưới tán cây rừng.

Ông Cao Ngọc Điền-Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn, cho biết, xã có 413 hộ (trong đó 283 hộ là đồng bào DTTS), thu nhập chủ yếu dựa vào đất rừng. Nhưng đất rừng để bà con sản xuất chẳng nhiều lại khó trồng do độ dốc lớn. Vì vậy bà con thường xuyên thiếu đói. Hiện gạo trợ cấp từ Chương trình 30a và gạo cứu đói giáp hạt đã gần hết” , ông Điền thông tin.

Rõ nhất cho cái nghèo của Hóa Sơn là bản Lương Năng, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Sách. Dù nằm cạnh trục đường chính của xã Hóa Sơn nhưng Lương Năng có tới 66/89 hộ nghèo. Ông Cao Văn Minh, Trưởng bản Lương Năng cho hay, thu nhập chính của bà con trong bản là ngô, lạc. Đất nông nghiệp của bản chỉ có khoảng 0,8 héc-ta. Mà sản lượng ngô ở Lương Năng chỉ đạt 2 tạ/sào, nhưng 2 tạ này bao gồm cả hạt lẫn cùi bắp, chứ không phải riêng mỗi hạt.

Học nghề cũng “kén chọn”!

Bản gần trung tâm xã đã nghèo thì những bản xa xôi, cách trở khác lại càng nghèo hơn, kéo theo đó cả xã Hóa Sơn nghèo. Tính đến tháng 2/2017, tỷ lệ hộ nghèo ở Hóa Sơn hơn 52%.

Vậy sinh kế nào để giảm nghèo cho Lương Năng nói riêng, xã Hóa Sơn nói chung? Cả Trưởng bản Lương Năng cũng như Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn đều chung nhận định là cần giao thêm đất trồng rừng kinh tế cho bà con để “bù đắp” sự thiếu hụt về đất sản xuất nông nghiệp. Nhưng giao thêm đất rừng cho bà con như thế nào khi mà quỹ đất rừng của xã đã bị “khống chế”?

“Sao không để lao động đi học nghề, chuyển đổi nghề?” . Trả lời câu hỏi này, Trưởng bản Lương Năng, ông Cao Văn Minh thở dài nói: “Bản có 362 nhân khẩu, gần một nửa đang ở độ tuổi thanh niên. Nhưng chúng nó ngại đi học lắm” .

Lý giải rõ hơn, Chủ tịch xã Hóa Sơn Cao Ngọc Điền nói: “Toàn xã có 413 hộ, với 1.687 nhân khẩu, bình quân 4 nhân khẩu/hộ. Bà con chỉ muốn lên rừng, xuống suối kiếm thu nhập hằng ngày. Đi học nghề dù không mất phí nhưng cũng phải ra huyện học ít thì 3 tháng, dài thì 2 năm nên không thiết tha mấy”.

Ấy là chưa kể, một số thanh niên trong xã đã qua 3 tháng đào tạo nghề ở huyện, nhưng khi về “chữ thầy trả lại cho thầy” . Rồi còn chỉ tiêu đào tạo nghề được giao của huyện để thực hiện nữa. Như theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội huyện Minh Hóa đến năm 2020, toàn huyện sẽ đào tạo nghề cho 1.000 người; trong khi đó, tính đến 31/10/2016, tổng dân số toàn huyện Minh Hóa đã là 53.742 nhân khẩu. Nếu theo quy hoạch thì đến năm 2020, toàn huyện Minh Hóa cũng chỉ có khoảng 1,8% dân số được đào tạo nghề.

Vậy trong 1,8% dân số này sẽ có bao nhiêu thanh niên DTTS sẽ được đào tạo nghề, nhất là với những thanh niên thuộc hộ nghèo, thiếu tư liệu sản xuất? Tiếc rằng, hiện huyện Minh Hóa vẫn chưa có số liệu.

3% lao động DTTs được đào tạo nghề

Nhìn rộng ra, toàn tỉnh Quảng Bình cũng chẳng khá hơn trong việc đào tạo nghề cho thanh niên DTTS. Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 8.987 thanh niên DTTS. Giai đoạn 20102016, toàn tỉnh mới chỉ đào tạo nghề cho khoảng 1.000 thanh niên DTTS.

Theo thống kê của Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, không chỉ riêng Quảng Bình mà ở nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, kết quả đào tạo nghề cho thanh niên DTTS cũng rất khiêm tốn. Như tỉnh Ninh Bình có 3.653 thanh niên DTTS, nhưng từ năm 2010 đến giữa năm 2016 chỉ mới đào tạo nghề cho 350 người; hay như tỉnh Ninh Thuận có 163 nghìn thanh niên DTTS nhưng giai đoạn 2010-2016 mới đào tạo nghề cho 5.740 người;…

Một số liệu khác cũng cho thấy “khoảng trống” đáng báo động trong đào tạo nghề cho lao động người DTTS, nhất là với thanh niên. Theo Báo cáo “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” của Oxfam (Tổ chức phi chính phủ hoạt động trên toàn thế giới để tìm giải pháp lâu dài chống nghèo đói và bất công) công bố ngày 29/11/2016 cho thấy, cả nước chỉ có khoảng 3% (trong tổng số 13,39 triệu người DTTS) lao động nông thôn là người DTTS được đào tạo nghề. Đáng tiếc báo cáo này chưa chỉ rõ hiện cả nước có bao nhiêu thanh niên DTTS đã được đào tạo nghề cũng như có việc làm sau khi được đào tạo.

Không được đào tạo nghề để chuyển đổi nghề, hoặc đã học nghề nhưng không thể mưu sinh bằng nghề đã học, trong khi các địa phương gần như không thể bố trí đất sản xuất (theo số liệu của Ủy ban Dân tộc, cả nước hiện có 221.754 hộ DTTS nghèo thiếu đất sản xuất). Vậy, sinh kế của thanh niên DTTS sẽ được liệu tính như thế nào? Đây là thực trạng đáng báo động trong việc phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi cần được tháo gỡ.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Phát huy vai trò Người có uy tín tại vùng đồng bào DTTS Quảng Bình

Phát huy vai trò Người có uy tín tại vùng đồng bào DTTS Quảng Bình

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1265/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức tập huấn về công tác văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch cho cán bộ, công chức cấp xã, nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản, Người có uy tín vùng đồng bào DTTS tại Quảng Bình.