Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Thực hiện Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Hà Giang: Góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào

PV - 15:09, 06/11/2018

Năm 2018, tỉnh Hà Giang đã giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban, ngành tiếp tục triển khai Chương trình 135 (CT135). Với sự vào cuộc quyết liệt, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh ngày càng được cải thiện. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Thành, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang xung quanh nội dung này.

Chương trình 135 Ông Dương Văn Thành, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang.

 

Ông có thể đánh giá một số nét cơ bản về tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS ở Hà Giang?

Ông Dương Văn Thành: Trong 10 tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã có nhiều nét khởi sắc. Bản sắc văn hóa dân tộc được duy trì và phát huy, hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững. Đời sống của đồng bào các dân tộc được cải thiện, trình độ dân trí được nâng lên. Cơ sở thiết yếu vùng đồng bào DTTS và miền núi ở các xã đặc biệt khó khăn được đầu tư xây dựng đồng bộ. Việc đầu tư, hỗ trợ phát triển các công trình hạ tầng, hỗ trợ sản xuất đã đem lại hiệu quả thiết thực, tác động tích cực đến đời sống nhân dân, giải quyết cơ bản các nhu cầu của đồng bào về hạ tầng và sản xuất.

Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh Hà Giang phân bổ ngân sách năm 2018 kịp thời, đúng tiến độ. Công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn được tăng cường, tạo sự đồng thuận trong việc tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc.

Chương trình 135 Việc triển khai đồng bộ các hợp phần của CT135, đời sống đồng bào các DTTS tỉnh Hà Giang đã có những bước chuyển tích cực.

Kết quả thực hiện CT135 ở Hà Giang từ đầu năm đến nay như thế nào, thưa ông?

Ông Dương Văn Thành: Thực hiện CT135, năm 2018, tỉnh Hà Giang được Trung ương giao tổng nguồn vốn 222 tỷ 829 triệu đồng (trong đó: vốn đầu tư là 166 tỷ 602 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 56 tỷ 227 triệu đồng). Với nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện các huyện đang triển khai thực hiện các hạng mục hạ tầng, trong đó chủ yếu là bố trí kinh phí trả nợ các công trình đã hoàn thành quyết toán, công trình chuyển tiếp. Theo đó, tỉnh đã hoàn thành 162 công trình hạ tầng như: giao thông, thủy lợi, nhà văn hóa, trạm y tế… Phân bổ 7 tỷ 733 triệu đồng cho các huyện thực hiện 1.370 mô hình hỗ trợ sản xuất với một số nội dung hỗ trợ, như: giống cây trồng, vật nuôi, một số mô hình sản xuất nông nghiệp như chăn nuôi bò, lợn đen (1.536 tấn giống cây trồng, 2.546 vật nuôi, 1.099 máy móc phục vụ xuất nông nghiệp…).

Có thể nói, việc triển khai đồng bộ các công trình hạ tầng, các nội dung hỗ trợ sản xuất đã tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, tạo chuyển biến về nhận thức và tập quán của đồng bào các dân tộc theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng năng suất, thu nhập, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4-5%/năm. Tuy nhiên, qua theo dõi, chúng tôi nhận thấy, thời gian qua, việc phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư chưa đạt theo yêu cầu, một số mô hình sản xuất, chăn nuôi có hiệu quả chưa được nhân rộng. Những vấn đề này sẽ được khắc phục trong thời gian tới.

Để việc thực hiện CT135 đạt hiệu quả cao trong thời gian tới, tỉnh Hà Giang sẽ tập trung vào những nội dung gì, thưa ông?

Ông Dương Văn Thành: Chúng tôi sẽ tập trung sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, tăng cường vai trò quản lý của chính quyền, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện CT135 các cấp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đề cao vai trò tham gia của người dân thụ hưởng Chương trình, phân cấp mạnh cho cơ sở bằng cách tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ các địa phương. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Tranh thủ tối đa các nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, làm tốt công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thôn, xã, cán bộ là người DTTS, coi đây là điều kiện quan trọng để góp phần thực hiện tốt CT135, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Xin cảm ơn ông!

MINH THU