Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo

Thực hiện Chương trình MTQG 1719 ở Kon Tum: Tạo điều kiện, sức bật để vùng đồng bào DTTS phát triển nhanh và bền vững

Minh Thu - 14:51, 31/03/2025

Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: từ 2021 đến 2025 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Kon Tum đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất. Qua đó, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.

ỉnh Kon Tum đang đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719.
Tỉnh Kon Tum đang đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719

Từ năm 2022 đến nay, huyện Kon Rẫy đã triển khai thực hiện 8/10 dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 với tổng kinh phí được bố trí trên 129 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Để đảm bảo nguồn vốn từ Chương trình MTQG 1719 được triển khai hiệu quả, UBND huyện Kon Rẫy đã rà soát, xác định nhu cầu tình hình thực tế của từng địa phương để phân bổ vốn hợp lý, hiệu quả và ưu tiên đầu tư. Xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng Dự án, Tiểu dự án bao gồm thời gian, mục tiêu và các bước triển khai thực hiện.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao của Nhân dân, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 đã tạo động lực để vùng đồng bào DTTS tỉnh Kon Tum phát triển mạnh mẽ. Đồng thời, tiếp tục củng cố niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước, các dân tộc đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Theo chia sẻ của Anh A Blung, dân tộc Xơ Đăng ở thôn 3, xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy: Từ năm 2022, gia đình tôi được hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, tôi vay thêm 40 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện và vay thêm 100 triệu đồng từ bà con, họ hàng. Ngoài ra, tôi được cộng đồng làng hỗ trợ ngày công và hoàn thiện căn nhà khang trang với diện tích hơn 80m2. Có nhà ở và chịu khó làm ăn nên năm 2023, gia đình tôi đã thoát khỏi diện hộ nghèo.

Triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, đến nay, huyện Kon Plông đã phê duyệt và triển khai hỗ trợ đất ở cho 6 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 10 hộ và hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 76 hộ theo Dự án 1. Cùng với đó, huyện đã triển khai hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 1.216 hộ đồng bào DTTS; đầu tư xây dựng 3 công trình nước sinh hoạt tập trung để cấp nước sinh hoạt cho 307 hộ đồng bào DTTS ở xã Đăk Tăng, Đăk Ring và Ngọk Tem với tổng kinh phí trên 11 tỷ đồng.

Chị Y Rủi, ở thôn Đăk Xô, xã Hiếu, huyện Kon Plông cho biết: Năm vừa qua, gia đình được hỗ trợ 1 bồn chứa nước để dẫn nguồn nước sạch về sử dụng. Có nguồn nước về tận nhà nên việc sinh hoạt trong gia đình rất thuận lợi.

Nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ Chương trình MTQG 1719 đã và đang tạo động lực cho đồng bào DTTS ở tỉnh Kon Tum vươn lên thoát nghèo.
Nguồn vốn hỗ trợ sản xuất từ Chương trình MTQG 1719 đã và đang tạo động lực cho đồng bào DTTS ở tỉnh Kon Tum vươn lên thoát nghèo

Triển khai đồng bộ các nội dung trọng tâm của Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719, tỉnh Kon Tum đã ban hành và triển khai nhiều chương trình, chính sách đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn. Trong đó, tập trung đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện thu nhập người dân, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Các cấp uỷ đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị- xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách phát triển ở vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, kết cấu hạ tầng, diện mạo nông thôn vùng đồng bào DTTS có chuyển biến rõ nét, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần, đời sống của người dân được nâng lên.

Trong nỗ lực triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh Kon Tum đã đề ra nhiều giải pháp để triển khai thực hiện, trong đó tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy Kon Tum về công tác dân tộc. Chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719; huy động và lồng ghép, tích hợp các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.

Cùng với đó, tỉnh Kon Tum tiếp tục đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề lao động nông nghiệp; cải thiện điều kiện sinh kế; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS. Tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS, nhất là các vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn để đồng bào DTTS có đủ điều kiện sinh kế, yên tâm sản xuất từng bước nâng cao đời sống. Đặc biệt, phát huy vai trò của đội ngũ già làng, Người có uy tín trong quá trình triển khai thực hiện các Dự án của Chương trình MTQG 1719 đảm bảo hiệu quả, đúng mục tiêu, đúng đối tượng.

Với việc tập trung nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719, thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỉnh Kon Tum đang tạo điều kiện, sức bật để vùng đồng bào DTTS phát triển nhanh và bền vững hơn. Từ đó, nâng cao đời sống người dân, từng bước rút ngắn khoảng cách về kinh tế - xã hội giữa các địa phương trong tỉnh.

Tỉnh Kon Tum đề ra mục tiêu đến năm 2025 có tỷ lệ 100% hộ dân DTTS có đất ở, đất sản xuất; 20% hộ DTTS trở lên tham gia vào hợp tác xã; cơ bản hoàn thành công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn, thiên tai sạt lở; 100% thôn, làng có nhà rông truyền thống được sửa chữa, trùng tu định kỳ; trên 90% hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trên 50% số xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn; giảm tỷ lệ hộ nghèo hằng năm vùng đồng bào DTTS và miền núi là 4%.

Tin cùng chuyên mục
Phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu trong vùng công viên địa chất Lạng Sơn

Phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu trong vùng công viên địa chất Lạng Sơn

Vùng công viên địa chất Lạng Sơn, là khu vực có nhiều dân tộc cùng sinh sống với hệ thống di sản văn hóa phi vật thể và các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng phong phú, trong đó có tín ngưỡng thờ Mẫu. Nhận thức được giá trị đó, cùng với việc tích cực xây dựng công viên địa chất Lạng Sơn, thời gian qua, ngành Văn hóa nói riêng và các cấp, ngành trong tỉnh nói chung đã có nhiều giải pháp thiết thực để bảo tồn, lan tỏa giá trị của tín ngưỡng này.