Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Thực hiện quy chế dân chủ trong trường học vùng DTTS, miền núi: Cần đi vào thực chất

PV - 08:53, 03/07/2019

Dân chủ trong trường học nói chung, trường học vùng DTTS, miền núi nói riêng đã và đang giữ vai trò quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Phát huy quy chế dân chủ trong trường học vùng DTTS, miền núi là rất quan trọng và cấp thiết. Phát huy quy chế dân chủ trong trường học vùng DTTS, miền núi là rất quan trọng và cấp thiết.

Hiện nay, ngành Giáo dục cả nước có hơn 42 nghìn cơ sở giáo dục; 23 triệu học sinh, sinh viên; gần 1,4 triệu cán bộ, giáo viên, cùng hàng chục triệu người liên quan. Để phát huy dân chủ trong nhà trường, từ năm 2000, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã có quyết định 04/2000/QĐ-BGDĐT, ngày 01-03-2000, ban hành quy chế Dân chủ trong các hoạt động nhà trường. Cùng với đó là nhiều văn bản khác để thực hiện dân chủ trong trường học. Đối với các trường học địa bàn vùng DTTS-nơi có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, thì việc thực hiện quy chế dân chủ lại càng vô cùng quan trọng.

Để thực hiện quy chế dân chủ, nhiều trường học vùng DTTS, miền núi đã ban hành các văn bản và triển khai thực hiện quy chế dân chủ. Ban Giám hiệu các nhà trường thường xuyên lắng nghe và tiếp thu những ý kiến của cá nhân, tổ chức, đoàn thể trong nhà trường thông qua họp, sinh hoạt tổ chuyên môn, hoạt động đoàn thể, cha mẹ học sinh... từ đó, có biện pháp giải quyết đúng theo chế độ, nội quy, quy chế. Đảm bảo nghiêm túc việc công khai kế hoạch hoạt động, tài chính; thi đua khen thưởng. Công khai những việc đối với giáo viên, phụ huynh, học sinh được biết, được tham gia ý kiến…

Điển hình, như, Trường Tiểu học Ký Phú (Đại Từ, Thái Nguyên). Với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của địa phương còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, học sinh của phần lớn là con em đồng bào DTTS, song do nhà trường phát huy tốt dân chủ trong trường học nên chất lượng giáo dục của nhà trường ngày một nâng cao, cơ sở vật chất trường lớp đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Ban Giám hiệu nhà trường thường xuyên tổ chức họp phụ huynh học sinh để tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, tích cực phối hợp cùng chung tay với nhà trường trong việc huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo. Vì vậy, trường đã nhận được sự đóng góp của phụ huynh, tinh thần đoàn kết của giáo viên trong việc xây dựng, tu bổ cơ sở vật chất... Hiện nay nhà trường đang nỗ lực để được công nhận đạt chuẩn mức độ 2.

Có thể khẳng định, việc thực hiện quy chế dân chủ tại các trường học vùng DTTS, miền núi đã góp phần xây dựng, nâng cao chất lượng giáo dục; tạo nên tâm lý tin tưởng, tinh thần đoàn kết trong nhà trường và sự ủng hộ của phụ huynh học sinh. Một số biểu hiện tiêu cực, mất dân chủ trong nhiều nhà trường đã từng bước được ngăn chặn… Tuy nhiên, ở đâu đó, dân chủ trong trường học vẫn là điều xa vời. Dân chủ thực chất hay dân chủ hình thức vẫn là câu hỏi lớn mà chưa có lời đáp.

Tại cuộc họp với Đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế dân chủ tại cơ sở cuối năm 2017, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã nhìn nhận việc thực hiện quy chế dân chủ ở một vài cơ sở giáo dục còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đôi khi chưa được thực hiện triệt để. Cá biệt, một số nơi vẫn để xảy ra tình trạng cá nhân vi phạm đạo đức nhà giáo. Nhiều trường ban hành quy chế dân chủ rồi “cho vào tủ”, không ai thanh tra, giám sát, không có chế tài... Bộ trưởng Bộ GĐ&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, Bộ sẽ tiếp tục khắc phục tình trạng này bởi ngành Giáo dục xác định dân chủ là công cụ trong quản lý, là thước đo để mọi cán bộ, giáo viên có trách nhiệm, đồng tâm, đồng lòng trong xây dựng và phát triển giáo dục.

Từ nhìn nhận đó, đến nay, cũng đã gần 2 năm, nhưng việc thực hiện quy chế dân chủ trong nhiều nhà trường vẫn chưa được cải thiện. Tình trạng vi phạm đạo đức nhà giáo, gian lận trong thi cử… ngày càng trở nên trầm trọng, đang là vấn đề “nóng” của xã hội… Dân chủ cần đi vào thực chất, đo đếm được là điều rất cấp thiết trong lúc này khi ngành Giáo dục đã và đang để xảy ra nhiều tiêu cực trong thời gian gần đây.

Thiết nghĩ, muốn phát huy dân chủ trong trường học vùng DTTS, miền núi nói riêng, trong ngành Giáo dục nói chung, ngoài đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ nêu gương của người đứng đầu và phát huy vai trò, quyền hạn của hội đồng nhà trường thì cơ chế giám sát của cộng đồng rất quan trọng. Phải xây dựng cơ chế đủ mạnh để giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh đều có quyền giám sát mọi hoạt động của trường học.

THANH HUYỀN