Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Thực trạng giáo dục ở minh hóa (Quảng Bình): Thầy thiếu chỗ ở, trò thiếu phòng học

PV - 10:43, 23/01/2018

Nhiều năm qua, hàng chục giáo viên Trường Mầm non Dân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) phải sống trong những nhà kho đựng đồ chật chội, nhiều học sinh phải học trong các ngôi nhà tạm hoặc nhà sinh hoạt cộng đồng rất khó khăn, vất vả…

Một lớp học chật chội, tạm bợ ở Minh Hóa (Quảng Bình). Một lớp học chật chội, tạm bợ ở Minh Hóa (Quảng Bình).

 

Trường Mầm non (MN) Dân Hóa (huyện Minh Hóa) hiện có 10 điểm trường, 22 phòng học với 384 trẻ và 35 cán bộ, giáo viên. Trong đó, 4 điểm trường phải học tạm trong nhà sinh hoạt cộng đồng ở bản Ka Vàng, Tà Leeng, Ka Định và Cha Lo; 9 phòng học là nhà tạm, chỉ có 9 phòng là bán kiên cố. Hầu hết các điểm trường đều chưa có sân chơi cho các cháu, ngoại trừ điểm trung tâm có sân nhưng lại quá chật chội so với nhu cầu.

Ngoài ra, có 3 điểm trường thì phải ghép các bản lại với nhau, như: Ka Ai với Ka Vàng, Hà Nôông với Tà Rà, Ca Reng ghép với bản Ôốc và bản Hà Vi. Đến thăm điểm trường Ka Định, chúng tôi chỉ thấy có một phòng học duy nhất được mượn tạm từ nhà sinh hoạt cộng đồng và 1 giáo viên phụ trách.

Lớp có 23 cháu từ 3 đến 5 tuổi học chung trong ngôi nhà chật chội diện tích 20m2. Cô Cao Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy tại điểm trường này cho hay: “Do ở đây địa hình quá dốc nên không làm được sân chơi. Cứ đến giờ chơi là cô phải xếp tạm bàn ghế lại mới tổ chức được”.

Chị Hồ Thị Phương, một phụ huynh có con đang học tại điểm trường bày tỏ lo lắng: “Thấy con cái học hành trong lớp học tạm, thiếu thốn nhiều thứ cũng thương lắm…”.

Điểm trường ở bản Cha Lo cũng chỉ có một phòng học cho các cháu ở lớp bé, lớp nhỡ và lớp lớn trong nhà sinh hoạt cộng đồng. Nhà sinh hoạt cộng đồng bản Cha Lo xây dựng đã lâu, hệ thống điện chiếu sáng, cửa sổ đã xuống cấp, nhưng hằng ngày cô và trò vẫn cố gắng dạy và học. Chỉ với diện tích chừng 10m2 nhưng 11 cháu phải nhồi nhét vào để học.

Tại điểm trung tâm ở bản Y Leeng, hàng chục giáo viên đang công tác tại đây nhưng vẫn không có nhà ở. Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, mến trẻ, các cô vẫn chấp nhận ở trong các nhà kho chứa đồ dùng học tập, sinh hoạt của giáo viên. Trong căn phòng chật chội chừng 10m2, 4 cô giáo đang tá túc cùng rất nhiều đồ dùng học sinh.

Còn ở Trường Mầm non Dân Hóa, hầu hết các điểm đều thiếu chỗ ở cho giáo viên nên các cô dạy xong điểm này phải đến điểm khác để ở. Riêng điểm trường Bãi Dinh, giáo viên phải ở tạm trong căn nhà bếp tạm bợ đang xuống cấp.

Cô Phan Thị Chiêm cho hay: “Tôi đang có con nhỏ nhưng không có chỗ ở nội trú, nên ngày nào cũng phải đi về nhà trong ngày. Biết là vất vả, nhưng vì công việc, vì học sinh nên cũng cố gắng đến lớp. Mong các cấp chính quyền quan tâm, xây dựng nhà ở cho giáo viên ở xa nhà như chúng tôi”.

Nhà cô Chiêm cách trường khoảng 50km, nhưng cô vẫn sáng đi chiều về với tổng quãng đường khoảng 100km. Không chỉ có cô Chiêm mà còn rất nhiều giáo viên khác đang công tác tại trường phải đi về trong ngày.

Bà Đinh Thị Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục huyện Minh Hóa cho hay: Vẫn biết những khó khăn về thiếu phòng học và nhà công vụ cho giáo viên đã làm ảnh hưởng đến việc dạy và học của giáo viên và học sinh, tuy nhiên do điều kiện của huyện còn nhiều khó khăn nên đành phải chấp nhận.

Phòng Giáo dục đã tham mưu cho huyện đầu tư vào những điểm trường còn quá thiếu thốn ở xã Trọng Hóa, còn xã Dân Hóa sẽ giải quyết trong những năm tiếp theo”...

MINH THỨ- XUÂN VƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.