Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thúng chai ra biển lớn

PV - 16:24, 14/08/2018

Với nhiều người dân thôn Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An ( Phú yên), đan thúng chai là nghề cha truyền con nối. Nghề này tuy không làm giàu, nhưng giúp người dân nơi đây có cái ăn, có việc làm quanh năm. Sự chắc bền và những kỹ thuật độc đáo đan thúng chai ở Phú Mỹ không chỉ “bơi” ra các tỉnh phía Bắc, vào miền Tây mà còn sang cả các nước khu vực châu Á, châu âu.

Công đoạn trét kín các kẽ nan thúng chai Công đoạn trét kín các kẽ nan thúng chai

Chuyên môn hóa trong thời hiện đại

Đối với người dân miền biển, thúng chai là sản phẩm rất thông dụng, dùng để di chuyển một quãng ngắn trên biển, để câu mực, câu tôm hay đưa hàng hóa từ bờ ra thuyền lớn. Chiếc thúng chai luôn gắn bó mật thiết với ngư dân, được ví như những chiếc ca nô, thuyền cao su, thuyền cứu hộ và nếu thiếu thúng chai thì tàu cá không thể rời bến đi đánh bắt.

Ở Phú Mỹ, nghề làm thúng chai được xem là một nghề truyền thống của cha ông truyền lại. Làng hiện có khoảng 40 hộ làm nghề đan thúng chai, với hơn 120 lao động có thu nhập từ 3 đến 4,5 triệu đồng/người/tháng. Anh Mai Văn Tạo, một người gắn bó với nghề này cho hay, để làm được một chiếc thúng chai giao đến tận tay khách hàng phải trải qua nhiều công đoạn và phải có những người thợ đảm nhận “trọng trách” ở từng khâu.

Trước hết, người thợ chặt tre phải chọn loại tre mỡ già, mọc ở vùng đất cát, dọc các bờ sông. Sau đó chọn những nan tre cật, vót mỏng đều rồi đem phơi 4 đến 5 nắng. Tiếp đến, người thực hiện công đoạn đan mê thúng cũng phải rành nghề, khéo tay thì từng chiếc nan đan mới đều khít, thẩm mỹ và độ bền càng tăng cao. Đan xong rồi lận vành, dùng dây cước nức vành. Công đoạn tiếp theo là trét kín các kẽ nan, phơi khô, sau đó quét dầu rái để chống thấm.

Được biết trước đây, mỗi gia đình ở Phú Mỹ làm ra nguyên cả sản phẩm, rồi bán lại cho thương lái. Những năm gần đây, người dân làng nghề này phân ra nhiều công đoạn. Họ nhận tre từ cơ sở sản xuất thúng chai, phụ nữ “chân yếu tay mềm” gia công phần vót nan, phơi 4 đến 5 nắng rồi lại giao hàng cho người khác nhận đan mê, lận vành.

Theo ông Trần Văn Tiến, ở Phú Mỹ, làm thúng chai tuổi nghề không quan trọng bằng kỹ thuật. Nhiều khi, những người lâu năm làm thúng có độ chắc và thẩm mỹ không sắc sảo bằng những người có hoa tay, tỉ mỉ. Trong các công đoạn làm thúng, thì lận vành là khâu quan trọng nhất. Thao tác này đòi hỏi người làm phải có sức khỏe, kinh nghiệm và kỹ năng, thẩm mỹ mới thành công, vì một chiếc thúng rất to, khó có thể lận cho vành được tròn đều.

Tìm đường xuất ngoại

Hiện nay, giá mỗi chiếc thúng chai bán ra thị trường dao động từ 1,2 triệu đồng đến 2,6 triệu đồng, có khi lên đến 4 triệu đồng, theo đơn đặt hàng, tùy vào kích cỡ và số nan.

Có rất nhiều nơi làm thúng chai nhưng thúng chai ở Phú Mỹ lại được khách hàng tin tưởng, là vì trách nhiệm của người thợ đối với sản phẩm của mình. Tất cả những người thợ làm thúng ở làng Phú Mỹ đều có chung một quan điểm đặt chữ tín lên hàng đầu. Trước khi bán thúng cho bất kể khách trong nước hay xuất đi nước ngoài, người thợ kiểm tra kỹ, phát hiện một lỗi dù là rất nhỏ cũng đổi thúng khác cho khách hoặc đan chiếc thúng mới.

Nhờ đó, tiếng lành đồn xa, thúng chai Phú Mỹ theo chân khách hàng ra tận các tỉnh phía Bắc, vào miền Tây rồi sang cả châu Á, châu Âu. Theo thống kê của UBND xã An Dân, năm 2011, thông qua một số công ty đầu mối ở TP . Hồ Chí Minh, 125 chiếc thúng chai ở Phú Mỹ được xuất khẩu sang thị trường Thái Lan. Năm 2012, có 200 chiếc thuyền thúng chai được xuất sang Thụy Sỹ. Cuối năm 2015, Thái Lan tiếp tục đặt hàng nhập khẩu 1.250 thúng. Đến đầu năm 2016, phía Thụy Sỹ đã nhập 1.400 thuyền thúng. Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018, cũng có hàng ngàn chiếc thúng chai Phú Mỹ được các nước Đông Nam Á, Tây Âu đặt mua.

Làng thúng chai Phú Mỹ đã có những bước khởi sắc. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là, người dân không đủ vốn để đầu tư trang thiết bị hiện đại, vẫn phải làm thủ công nên để làm ra một chiếc thúng tốn nhiều thời gian, khó đáp ứng những đơn hàng lớn.

Vì vậy, để chắp cánh cho làng nghề vươn xa, cần có sự quan tâm, liên kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với cá nhân, tổ chức kinh doanh và người thợ sản xuất thúng chai.

ĐẠT THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Họp mặt đại diện nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc

Ninh Thuận: Họp mặt đại diện nhân sĩ, trí thức, chức sắc các tôn giáo, Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc

Nhân dịp mừng Xuân Ất Tỵ 2025, ngày 22/1, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp mặt đại diện nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo, Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc. Đến dự có các ông: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Văn Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh; Nguyễn Long Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở ngành cấp tỉnh.