Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thước đo sự thành công của chính sách dân tộc: Chuẩn nghèo mới, tư duy mới (Bài cuối)

Thi Thi - 06:46, 15/11/2022

Sử dụng tiêu chí thu nhập để đo lường nghèo trên thực tế là không đầy đủ. Năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam áp dụng đầy đủ, toàn diện chuẩn nghèo đa chiều để tránh tình trạng bỏ sót đối tượng nghèo, dẫn đến sự thiếu công bằng, hiệu quả và bền vững trong thực thi các chính sách giảm nghèo.

(Chuyên đề Thông tin đối ngoại) Nhận diện thước đo cho thành công của chính sách dân tộc: Chuẩn nghèo mới, tư duy mới (Bài cuối)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại Lễ công bố "Báo cáo nghèo đa chiều năm 2021"

Giảm nghèo chưa bền vững

Tháng 7/2022, “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” là kết quả nghiên cứu được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), Ủy ban Dân tộc, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) và hợp tác kỹ thuật từ Trung tâm Phân tích và Dự báo thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (CAF/VASS) đã được công bố. Theo báo cáo này, trong thập kỷ qua (2011 – 2021) thành tựu giảm nghèo ở Việt Nam đã rất ấn tượng cho dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào.

“Việc áp dụng phương pháp tiếp cận nghèo đa chiều đã hỗ trợ rất lớn trong xây dựng, triển khai và đo lường sự thành công của chính sách dân tộc. Để giảm nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được bố trí nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; các lĩnh vực giáo dục đào tạo, đời sống văn hóa, chăm sóc sức khỏe của đồng bào DTTS được quan tâm sâu sắc.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh
Phát biểu tại Lễ công bố “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” diễn ra ngày 278/7/2022

Tuy nhiên, báo cáo này cũng đánh giá, kết quả giảm nghèo của Việt Nam chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các địa phương, vùng, miền, nhóm dân cư chưa được thu hẹp nhiều. Một số nơi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Một số liệu đáng chú ý trong “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” là tình trạng thoát nghèo của nhóm đồng bào DTTS còn thiếu bền vững. Theo kết quả điều tra thì 20% nhóm đồng bào DTTS thoát nghèo giai đoạn năm 2016 đã tái nghèo vào năm 2018, trong khi tỷ lệ này của nhóm người Kinh - Hoa chỉ là 7,6%.

Một trong những nguyên nhân khiến kết quả giảm nghèo của nước ta chưa thực sự bền vững là do bộ công cụ nhân diện thực trạng nghèo giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg, ngày 30/1/2011 chưa đánh giá đúng thực trạng nghèo đa chiều. Bởi vậy, các chính sách trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đa chiều phần lớn là chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội.

Một nghiên cứu của Bộ LĐTB&XH cho thấy, nghèo đa chiều  theo quan niệm của quốc tế dựa trên nền tảng phải bảo đảm nhu cầu mức sống tối thiểu của người nghèo, không chỉ về thu nhập mà bao gồm cả đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ xã hội cơ bản. Ở nước ta, giai đoạn 2011 - 2015 chuẩn nghèo chưa tiếp cận được mức sống tối thiểu và ngay chuẩn nghèo về thu nhập giai đoạn 2016 - 2020 đã tiếp cận đa chiều cũng chưa bảo đảm mức sống tối thiểu (mới đảm bảo 70%).

Toàn cảnh Lễ công bố “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” diễn ra ngày 278/7/2022.
Toàn cảnh Lễ công bố “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” diễn ra hồi tháng 7/2022.

Theo “Báo cáo nghèo đa chiều 2021”, từ năm 2016, Việt Nam là quốc gia tiên phong trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều làm công cụ xác định mục tiêu, theo dõi tình hình nghèo đói và xây dựng chính sách. Tuy nhiên, tình trạng nghèo tồn tại trong các nhóm DTTS và dân cư các vùng ven biển, hải đảo là một thách thức đối với Việt Nam trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Đại dịch Covid-19 khiến cho nỗ lực xóa bỏ nghèo đói gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo báo cáo này, Việt Nam đã đạt được tiến bộ trong việc giảm nghèo đa chiều nhờ tăng việc làm năng suất cao; cải thiện các dịch vụ xã hội; mở rộng hệ thống bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, tính dễ bị tổn thương và chênh lệch vẫn là những thách thức lớn. Tình trạng nghèo về thu nhập tạm thời tăng trong thời kỳ Covid-19. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo trên toàn quốc đã giảm, nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao trong đồng bào DTTS.

Tư duy mới trong xây dựng chính sách giảm nghèo

Ngày 27/1/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, hộ nghèo khu vực nông thôn là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1,5 triệu đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên (thành thị là 2 triệu đồng/tháng trở xuống). Đặc biệt, lần đầu tiên chuẩn nghèo về thu nhập được tính dựa trên tiêu chí hỗ có mức sống trung bình (là hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng trên 1,5 triệu đồng đến 2,25 triệu đồng ở khu vực nông thôn; khu vực thành thị là trên 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng).

Kết quả giảm nghèo đa chiều trong giai đoạn 2021 – 2025 là thước đo cho thành công của các chương trình, dự án thuộc 3 chương trình MTQG thực hiện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)
Kết quả giảm nghèo đa chiều trong giai đoạn 2021 – 2025 là thước đo cho thành công của các chương trình, dự án thuộc 3 chương trình MTQG thực hiện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)

Theo ông Tô Đức, Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo, năm 2022 là năm đầu tiên Việt Nam áp dụng đầy đủ, toàn diện chuẩn nghèo đa chiều. Bên cạnh việc áp dụng đầy đủ toàn diện chuẩn nghèo đa chiều, lần đầu tiên Việt Nam xác định chuẩn thu nhập là mức sống tối thiểu của người dân tính bình quân cả nước.

“Không phải nhiều quốc gia trên thế giới có thể áp dụng theo chuẩn về thu nhập theo chuẩn mức sống tối thiểu. Đây là bước tiến mà Chính phủ Việt Nam đã hết sức nỗ lực trong xây dựng chính sách giảm nghèo”, ông Đức cho biết.

Theo Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo, với việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều này, giai đoạn 2021 - 2025, những cơ chế chính sách về giảm nghèo có thay đổi rất lớn so với giai đoạn trước. Trong đó, các giải pháp giảm nghèo phải tập trung giảm nghèo đa chiều, tức là tập trung giải quyết các chiều thiếu hụt của người nghèo bao gồm thiếu hụt về thu nhập và 6 chiều dịch vụ (12 chỉ số) xã hội cơ bản. Đồng thời, giảm nghèo phải bền vững, tức là không để người nghèo thoát chuẩn nghèo hôm nay nhưng mà khi gặp dịch bệnh, thiên tai, những lý do bất khả kháng thì quay lại trở lại nghèo.

Ông Hà Việt Quân (áo trắng), Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Ủy ban Dân tộc) chia sẻ tại Lễ công bố “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” diễn ra ngày 278/7/2022.
Ông Hà Việt Quân (áo trắng), Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Ủy ban Dân tộc) chia sẻ tại Lễ công bố “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” diễn ra ngày 278/7/2022.

Tại Lễ công bố “Báo cáo nghèo đa chiều 2021” diễn ra ngày 27/8//2022, Hà Việt Quân, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Ủy ban Dân tộc) cho rằng, với cách tiếp cận nghèo đa chiều sẽ góp pần quan trọng trong việc thiết kế và triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Ông Quân nhấn mạnh đến sự thay đổi cách tiếp cận: Hỗ trợ, khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tư nhân; quan tâm đến các chính sách an sinh; mở rộng đối tượng, không chỉ hỗ trợ người nghèo, mà hỗ trợ những người biết làm ăn, mới thoát nghèo, kể cả những hộ giàu, sử dụng tư duy của người giàu để hỗ trợ cho người nghèo và cộng đồng đó.

Có thể thấy, chuẩn nghèo đa chiều được ban hành tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP được kỳ vọng, sẽ góp phần quan trọng để triển khai hiệu quả 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững sẽ tiếp cận theo đối tượng ở đâu có người nghèo thì cơ chế chính sách giảm nghèo đều tìm đến, dù người nghèo ở đâu ở thành phố, ở nông thôn hay ở vùng sâu vùng xa, người DTTS hay người Kinh. 

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới cũng tiếp cận theo địa bàn nhưng theo hướng tập trung xây dựng các tiêu chí phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội…; Còn  Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ tiếp cận theo địa bàn, tức là những địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi...Kết quả giảm nghèo đa chiều trong giai đoạn tới, là thước đo cho thành công của các chương trình, dự án thuộc 3 chương trình MTQG thực hiện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tin cùng chuyên mục
Tỷ lệ tảo hôn ở Cao Bằng giảm mạnh

Tỷ lệ tảo hôn ở Cao Bằng giảm mạnh

Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát sinh 76 trường hợp tảo hôn, không xảy ra tình trạng hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, các trường hợp tảo hôn chủ yếu xảy ra tại huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hà Quảng, Hạ Lang và Hòa An. Theo thống kê, tỷ lệ tảo hôn giảm 13,6% so cùng kỳ năm 2023.