Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Thước đo cho thành công của chính sách dân tộc: Tập trung giảm nghèo về thu nhập (Bài 2)

Thi Thi - 16:32, 13/11/2022

Ở vùng nông thôn miền núi, chuẩn nghèo về thu nhập từ mức dưới 55 nghìn đồng/người/tháng (năm 1997) được nâng lên thành 1,5 triệu đồng/người/tháng trong giai đoạn 2021 – 2025. Với mức tăng gần 30 lần sau 35 năm (1997 – 2022), tiêu chí về thu nhập là công cụ đo lường chính xác cho hiệu quả của các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo của Đảng, Nhà nước ta.

Đường giao thông đợc đầu tư đến tận thôn bản giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi thuận lợi lưu thông, buôn bán. (Trong ảnh: Đường nông thôn mới khang trang ở thôn Nà Lìu, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn).
Đường giao thông đợc đầu tư đến tận thôn bản giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi thuận lợi lưu thông, buôn bán. (Trong ảnh: Đường nông thôn mới khang trang ở thôn Nà Lìu, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn).

Từng bước nâng chuẩn nghèo

Từ năm 1997, tiêu chí nhận diện hộ nghèo, hộ đói vẫn được tính theo lương thực (gạo), nhưng đã được quy thành tiền. Theo đó, giai đoạn 1997 – 2000, hộ nghèo ở vùng thành thị là hộ có thu nhập dưới 25kg/người/tháng, tương đương 90 nghìn đồng; ở vùng nông thôn khu vực đồng bằng trung du có thu nhập dưới 20kg, tương đương 70 nghìn đồng; ở vùng nông thôn miền núi, hải đảo có thu nhập dưới 15kg, tương đương 55 nghìn đồng.

Theo kết quả điều tra mức sống về dân cư của Tổng cục Thống kê, vào những năm 1997 – 2000, cả nước có hơn 16,66 triệu hộ gia đình. Từ các chương trình xóa đói, giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, đời sống của đại đa số dân cư được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo đói về lương thực giảm nhanh. Năm 2000, tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc là 32%% giảm hơn so các năm trước (năm 1993 là 58,1%, năm 1998 là 37%). Tỷ lệ này ở thành thị, nông thôn và các vùng cũng có xu hướng tương tự như trên.

Tại thời điểm năm 2000, khi 189 quốc gia thành viên Liên Hợp quốc, trong đó có Việt Nam, cam kết thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ đến năm 2015, hộ nghèo cùng cực và thiếu đói trên toàn cầu được xác định trong bản cam kết là hộ có thu nhập dưới 1 USD/người/ngày; tương đương 14,157 nghìn đồng tại thời điểm năm 2000 - theo tỷ giá của Qũy Tiền tệ quốc tế. Nhưng trong tiêu chí nhận diện nghèo đói giai đoạn 1997 – 2000 của Việt Nam, hộ đói là hộ có mức thu nhập bình quân một người trong hộ một tháng quy ra gạo dưới 13kg, tương đương 45 nghìn đồng (giá năm 1997, tính cho mọi vùng).

Điều này cho thấy quyết tâm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo của Đảng, Nhà nước ta. Quyết tâm này càng được thể hiện rõ nét từ chủ trương điều chỉnh nâng chuẩn nghèo về thu nhập qua từng giai đoạn.

Sau 3 lần điều chỉnh trước đó (1993 – 1995, 1995 – 1997, 1997 – 2000), từ sau năm 2000, Việt Nam đã có thêm 5 lần điều chỉnh tiêu chí nhận diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, gồm: 2001 – 2005, 2006 - 2010; 2011 - 2015; 2016 - 2020 và 2021 – 2022. Riêng ở khu vực nông thôn miền núi, nếu tính từ năm 1997 - khi chuẩn nghèo bắt đầu được quy thành tiền cho đến thời điểm này, qua 35 năm, thu nhập bình quân đầu người để xác định hộ nghèo đã tăng gấp gần 30 lần; từ mức dưới 55 nghìn đồng/người/tháng (năm 1997) được nâng lên thành 1,5 triệu đồng/người/tháng trong năm 2022.

Việc nâng chuẩn nghèo về thu nhập trong từng giai đoạn vừa qua đã giúp hàng triệu lượt nhân khẩu thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có thêm trợ lực để vượt qua khó khăn. Bởi, qua các giai đoạn giảm nghèo vừa qua có thể thấy, ngoài những hộ nghèo phát sinh thì có không ít hộ đã thoát nghèo ở giai đoạn trước, nhưng khi nâng chuẩn nghèo lại tái nghèo.

Chính sách hỗ trợ đất sản xuất cùng với cơ sở hạ tầng phục vụ tưới tiêu được đầu tư đã giúp người dân gia tăng thu nhập.
Chính sách hỗ trợ đất sản xuất cùng với cơ sở hạ tầng phục vụ tưới tiêu được đầu tư đã giúp người dân gia tăng thu nhập

Trong năm 2022, khi áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị định số 07/2021/CP, ngày 27/1/2021, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước đã tăng từ 5,2% (năm 2020) lên thành 9,35%; tức là có thêm 10 triệu người được hưởng lợi từ các chính sách và chương trình mục tiêu của Chính phủ về bảo trợ xã hội và giảm nghèo trong giai đoạn 2021 - 2025. Điều này đồng nghĩa sẽ gây thêm áp lực lên ngân sách Nhà nước chi cho công tác giảm nghèo trong bối cảnh ngân sách đang gồng gánh để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid - 19. Nhưng để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững, việc nâng chuẩn nghèo để phù hợp với yêu cầu phát triển mới của đất nước là rất cần thiết.

“Cú hích” từ chính sách

Với việc áp dụng chuẩn nghèo quy thành giá cả từ năm 1997, chính sách giảm nghèo cũng có những thay đổi quan trọng. Nguồn lực của Nhà nước không chỉ tập trung vào công tác tạo việc làm mà chuyển hướng sang đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế ở các vùng “lõi nghèo”; đồng thời tập trung giải quyết các nhu cầu cấp bách của hộ nghèo.

Vùng đồng bào DTTS và miền núi, với những khó khăn đặc thù, đã nhận được sự ưu tiên đầu tư, hỗ trợ của Đảng, nhà nước. Từ Chương trình 135, Chương trình 134, chính sách định canh định cư, tín dụng ưu đãi,… đã được ban hành, triển khai từ năm 1998 đến nay, làm thay đổi căn bản diện mạo địa bàn này. Chỉ tính riêng Chương trình 135, triển khai qua 3 giai đoạn, đã đầu tư hàng trăm nghìn công trình phục phục sản xuất và đời sống cho đồng bào DTTS; cùng với đó là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cộng đồng được triển khai hiệu quả.

Nguồn vốn chính sách ưu đãi đã giúp hàng triệu lượt hộ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế.
Nguồn vốn chính sách ưu đãi đã giúp hàng triệu lượt hộ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế

Đặc biệt, trong giai đoạn 2011 – 2020, thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc, các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi đã hướng tới bước phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Các chính sách dân tộc trong giai đoạn này không chỉ thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào mà còn hướng tới thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa theo nền kinh tế thị trường. Đây là nền tảng quan trọng để gia tăng thu nhập của người dân ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, góp phần giảm nghèo bền vững.

Để hỗ trợ đồng bào DTTS xóa đói, giảm nghèo, bên cạnh chuẩn nghèo chung, ngày 5/9/2001, Ủy ban Dân tộc và Miền núi (nay là Ủy ban Dân tộc) đã ban hành Quyết định số 166/2001/QĐ-UBDTMN về tiêu chí xác định hộ DTTS đặc biệt khó khăn. Ngoài tiêu chí về thu nhập dưới 80 nghìn đồng/người/tháng như tiêu chí hộ nghèo quốc gia giai đoạn 2001 – 2005 thì hộ DTTS đặc biệt khó khăn được xác định bởi tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu công cụ sản xuất, tập quán sản xuất lạc hậu,… Đây là cơ sở để triển khai các chính sách hỗ trợ tư liệu sản xuất (đất sản xuất, máy móc, nông cụ) và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS.

Năm 1997 cũng là dấu mốc quan trọng của hoạt động tín dụng cho người nghèo khi Quốc hội ban hành Luật các tổ chức tín dụng. Khoản 3, Điều 4 của Luật này đã nêu rõ: “Phát triển các Ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác nhằm thực hiện chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước”. Trên cơ sở này, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Việt Nam, tiền thân là Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo thiếu vốn sản xuất, đã được thành lập theo Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg ngày 4/10/2002.

Cũng trong ngày 4/10/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sau 20 năm thực hiện Nghị định, nguồn vốn chính sách ưu đãi đã giúp hàng triệu lượt hộ thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Công văn số 3675/NHCS-TDNN ngày 09/5/2022 của Ngân hàng CSXH Việt Nam cho thấy, hiện có trên 20 chương trình tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được đơn vị này triển khai.

Riêng ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, tính đến 31/12/2021, doanh số cho vay đạt 38.252 tỷ đồng, với 969.383 lượt khách hàng vay vốn; dư nợ tại vùng đạt 123.625 tỷ đồng, chiếm 49,9%/tổng dư nợ của Ngân hàng CSXH Việt Nam. Dư nợ bình quân một hộ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt 40,5 triệu đồng/hộ (bình quân toàn quốc là 38,9 triệu đồng/hộ); dư nợ bình quân một xã tại vùng này đạt 23,5 tỷ đồng (bình quân xã trên toàn quốc là 23,4 tỷ đồng/xã); nợ quá hạn tại vùng là 280 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,2% tổng dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn.

Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp người dân vùng đòng bào DTTS và miền núi có sinh kế, thu nhập ổn định.
Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã giúp người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi có sinh kế, giảm nghèo bền vưng

“Việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hộ đồng bào DTTS thực tập làm ăn, tạo việc làm, từng bước nâng cao trình độ quản lý sản xuất, kinh doanh, giúp cho đồng bào DTTS được học tập, lao động sản xuất, tăng thu nhập, dần dần nâng cao chất lượng cuộc sống”, Ngân hàng CSXH Việt Nam đánh giá.

Trong quá trình triển khai công tác giảm nghèo, Đảng, Nhà nước ta xác định, chất lượng cuộc sống của người dân không chỉ từ thu nhập, mà từ nhiều chiều cạnh liên quan khác. Chính vì vậy, tháng 11/2015, Chính phủ đã ban hành hệ thống chỉ tiêu đo mức nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình Việt Nam chuyển đổi từ cách tiếp cận nghèo dựa vào thu nhập sang nghèo đa chiều.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dungnày trong số báo tiếp theo.