Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Thủy điện Plei Kần vận hành gần 4 năm, nhưng dân vẫn chưa nhận đủ tiền bồi thường

Ngọc Chí - 17:10, 05/08/2024

Mặc dù thủy điện Plei Kần do Công ty Cổ phần Tấn Phát làm chủ đầu tư đã đưa vào vận hành gần 4 năm, nhưng hơn 40 hộ dân (phần lớn là hộ đồng bào dân tộc thiểu số) trên địa bàn thị trấn Plei Kần và xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vẫn chưa nhận đủ tiền bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng. Sự việc được người dân kiến nghị qua nhiều kỳ tiếp xúc cử tri HĐND các cấp nhưng vẫn không được giải quyết, việc “chậm trễ” và “chây ì” của chủ đầu tư thủy điện Plei Kần đã gây bức xúc trong Nhân dân.

Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân ở khu vực lòng hồ thủy điện Plei Kần đang bị sạt lở
Nhiều diện tích đất sản xuất của người dân ở khu vực lòng hồ thủy điện Plei Kần đang bị sạt lở

Dân thiệt hại vì thủy điện

Xót xa khi phải chặt bỏ những cây cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh bị chết do ngập úng, vợ chồng Xiêng Lăng Hùng và Y Híp (dân tộc Gié Triêng), thôn Chả Nội 2, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi bức xúc cho biết: Gia đình trồng hơn 500 cây cà phê ở khu vực gần khe suối, trước đây có mưa lớn đến mấy cũng không bị ngập. Sau khi thủy điện tích nước thì năm nào diện tích cây cà phê cũng bị ngập, mỗi lần ngập hai đến ba ngày, tính ra đã chết 170 cây cà phê. Vợ chồng cũng mua cây mới trồng lại, nhưng đến mùa mưa thì lại ngập và cây bị chết. Gia đình viết đơn trình báo lên xã thì năm 2022 thủy điện đến nhà làm việc và hẹn gia đình nhưng tới bây giờ năm 2024 không thấy đâu.

Vợ chồng Xiêng Lăng Hùng và Y Híp cho rằng 170 cây cà phê bị chết do thủy điện Plei Kần tích nước gây ngập úng
Vợ chồng Xiêng Lăng Hùng và Y Híp cho rằng 170 cây cà phê bị chết do thủy điện Plei Kần tích nước gây ngập úng

Tương tự, gia đình ông Nguyễn Văn Chính, tổ dân phố 2, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi có hơn 1,7 ha đất trồng cà phê, sầu riêng sát khu vực lòng hồ thủy điện Plei Kần cũng bị thiệt hại do nước ngập và gây sạt lở đất, cây trồng.

Ông Nguyễn Văn Chính cho biết: Trước đây đo đạt và có đền theo cao trình, nhưng sau khi thủy điện tích nước thì nước ngập hơn cao trình. Nước ngập cao hơn rồi gây sạt lở đất và hơn 100 cây cà phê xuống lòng hồ. Hiện còn hơn 200 cây cà phê và hơn 40 cây sầu riêng có nguy cơ sạt lở. Cách đây gần 4 năm cũng khiếu nại để hỗ trợ đền bù, đơn từ gửi đến khắp nơi mà cuối cùng cũng chưa được giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Chính (bên phải) lo lắng khi những cây sầu riêng đang chực chờ trôi xuống lòng hồ
Ông Nguyễn Văn Chính (bên phải) lo lắng khi những cây sầu riêng đang chực chờ trôi xuống lòng hồ

Dự án thủy điện Plei Kần được UBND tỉnh Kon Tum quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Công ty Cổ phần Tấn Phát vào ngày 17/10/2016, dự án được thực hiện trên sông Pô Kô thuộc thị trấn Plei Kần, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi và xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô. Năm 2021 thủy điện tích nước đưa vào vận hành và cũng từ đây phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến đất sản xuất, cây trồng của người dân.

Theo thống kê của UBND huyện Ngọc Hồi, liên quan đến thủy điện Plei Kần có tổng cộng 40 đơn kiến nghị của người dân và hiện phát sinh thêm một số hộ bị ảnh hưởng; trong đó, thị trấn Plei Kần 12 đơn và xã Đăk Nông 28 đơn. Người dân kiến nghị xoay quanh việc nước đập thủy điện Plei Kần dâng làm sạt lở đất, cây cối, hoa màu của các hộ gia đình và đề nghị đền bù thiệt hại. Tuy nhiên, đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết thõa đáng.

Đặc biệt, có 02 hộ đã được thống nhất phương án đền bù do bị ảnh hưởng khi vận hành thủy điện nhưng đến nay vẫn chưa nhận đủ tiền đền bù. Cụ thể, ông Trần Văn Minh ở thôn 6, thị trấn Plei Kần đang đề nghị chi trả số tiền đền bù thiệt hại còn lại 360 triệu đồng; ông Phạm Văn Hoãn ở thôn 7, thị trấn Plei Kần đề nghị chi trả số tiền đền bù thiệt hại còn lại 250 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Hoãn cho biết: Gia đình có ảnh hưởng khi thi công thủy điện, đã kiểm kê thống nhất khối lượng và số tiền hỗ trợ cho gia đình. Nhưng mới chi trả một nửa, còn lại 250 triệu đồng vẫn chưa chi trả. Bên thủy điện nói là không có tiền trả.

Điệp khúc “hứa và hứa”

Trước những kiến nghị của người dân, UBND huyện Ngọc Hồi và các đơn vị có liên quan đã nhiều lần làm việc với Công ty Cổ phần Tấn Phát, đơn vị chủ đầu tư thủy điện Plei Kần để giải quyết quyền lợi cho người dân.

Ông Nguyễn Hữu Nông – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi cho biết: Trong thời gian qua thì các hộ dân đã lên UBND thị trấn và các cuộc tiếp xúc cử tri để phản ánh rất nhiều, sau đó đơn vị thủy điện Plei Kần cũng có phối hợp với UBND thị trấn xuống xác định, đo đếm nhưng đến nay vẫn chưa hỗ trợ cho người dân. Qua những buổi làm việc thì đại diện thủy điện cũng có “hứa”, cụ thể thời gian cũng có trong biên bản làm việc nhưng “hứa” rồi thôi không giải quyết. Sự việc kéo dài hơn 3 năm nay rồi. Việc này ảnh hưởng kinh tế của bà con, thực tế cây cối cũng bị sạt lở chìm xuống dưới nước rồi. Hiện giờ mưa thì cũng đang sạt lở.

Công trình thủy điện Plei Kần khi tích nước, đưa vào vận hành đã phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến đất sản xuất, cây trồng của người dân
Công trình thủy điện Plei Kần khi tích nước, đưa vào vận hành đã phát sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng đến đất sản xuất, cây trồng của người dân

Mới đây, ngày 13/6/2024, Văn phòng HĐND và UBND huyện Ngọc Hồi đã có thông báo Kết luận của Chủ tịch UBND huyện tại cuộc họp giải quyết bồi thường thiệt hại do thi công, vận hành các công trình thủy điện. Theo đó, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi yêu cầu Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì, phối hợp với UBND các xã Đăk Nông và thị trấn Plei Kần rà soát, đánh giá kết quả kiến nghị của người dân liên quan trong quá trình vận hành của thủy điện. Trong đó, rà soát lập danh sách các hộ chưa giải quyết đền bù để tiến hành kiểm kê, đo đạc đối với các trường hợp đã xác định được nguyên nhân ảnh hưởng bởi vận hành thủy điện.

Công ty Cổ phần Tấn Phát phối hợp với UBND xã Đăk Nông và thị trấn Plei Kần lập danh sách các hộ dân bị ảnh hưởng đã thống nhất khối lượng giữa Công ty và hộ dân. Thực hiện việc chi trả tiền đến bù đến từng hộ dân. Đối với các hộ chưa thống nhất được nguyên nhân bị ảnh hưởng, đề nghị Công ty phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các phòng chức năng của huyện để kiểm tra, làm việc cụ thể với từng hộ. Công ty hoàn thành trước 30/6/2024 và báo cáo UBND huyện (qua Phòng Kinh tế và Hạ tầng) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Đức Xuân – Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Ngọc Hồi cho biết: Đến nay vẫn còn rất nhiều hộ chưa được bồi thường, hỗ trợ. UBND huyện đã có rất nhiều buổi làm việc với Công ty Cổ phần Tấn Phát, UBND các xã và các đơn vị liên quan để họp bàn. Đồng thời, UBND huyện cũng đã có những văn bản báo cáo Sở Công thương, UBND tỉnh để UBND tỉnh chỉ đạo việc thực hiện sớm chi trả, bồi thường cho người dân trên địa bàn.

Người dân có diện tích đất, cây trồng bị ảnh hưởng bức xúc vì đến nay vẫn chưa được thủy điện Plei Kần bồi thường, hỗ trợ
Người dân có diện tích đất, cây trồng bị ảnh hưởng bức xúc vì đến nay vẫn chưa được thủy điện Plei Kần bồi thường, hỗ trợ

Để sớm hoàn thành việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng của công trình thủy điện Plei Kần, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân; hạn chế việc đơn thư kiến nghị của người dân kéo dài, vượt cấp, gây phức tạp về tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn huyện Ngọc Hồi nói riêng và trên địa bàn tỉnh Kon Tum nói chung. Để đảm bảo công trình thủy điện Plei Kần thực hiện tuân thủ các quy định về vận hành khai thác công trình thủy điện và quy định hiện hành có liên quan, ngày 24/5/2024, Sở Công thương tỉnh đã có báo cáo và đề nghị UBND tỉnh Kon Tum xem xét quyết định việc tạm dừng việc tích nước hồ chứa thủy điện Plei Kần theo quy định tại Khoản 3, Điều 17, Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước cho đến khi Công ty Cổ phần Tấn Phát hoàn thành việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng của công trình thủy điện Plei Kần.

Mặc dù Sở Công thương đã có báo cáo và đề nghị gửi đến UBND tỉnh Kon Tum, nhưng đến nay, Công ty Cổ phần Tấn Phát vẫn chưa hoàn thành việc giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng của công trình thủy điện Plei Kần theo nội dung đã cam kết. Việc “chậm trễ” và “chây ì” của Công ty đã gây bức xúc và dư luận không tốt trong Nhân dân. 

Tin cùng chuyên mục
Chở trẻ em không đúng cách trên xe máy bị phạt đến 10 triệu đồng

Chở trẻ em không đúng cách trên xe máy bị phạt đến 10 triệu đồng

Nghị định 168 chính thức có hiệu lực từ đầu năm đã tăng nặng mức phạt với nhiều hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nghị định 168 tăng nặng mức phạt khi chở trẻ em trên 6 tuổi ngồi phía trước của xe máy.