Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Tiềm ẩn tai nạn giao thông từ chăn nuôi thả rông

PV - 11:02, 10/05/2019

Hiện nay, tình trạng chăn nuôi gia súc thả rông vẫn diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Cư M’gar (tỉnh Đăk Lăk) nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống. Cách nuôi này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Đàn bò đi lại nghênh ngang trên đường, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Ảnh chụp tại xã Ea Tul. Đàn bò đi lại nghênh ngang trên đường, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân. Ảnh chụp tại xã Ea Tul.

Tại một số tuyến đường ở các buôn của xã Cư Suê, Ea Tar, Ea Tul, Ea M’droh… có thể dễ dàng bắt gặp những con heo, bò… được nuôi thả rông chạy trên đường. Đặc biệt, có những thời điểm có cả chục con bò thả rông hoặc được người chăn thả cho về chuồng đi thành từng đàn lộn xộn trên đường. Các phương tiện tham gia giao thông phải mất khá nhiều thời gian để có thể lưu thông qua đoạn đường. Đã có không ít những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra do người điều khiển phương tiện không kịp trở tay khi phải tránh đàn gia súc thả rông đi nghênh ngang bất ngờ sang đường hoặc chạy ra giữa đường. Điều đáng nói, khi vụ tai nạn xảy ra, những con vật nuôi bỗng trở thành “vô chủ”, không ai dám đứng ra nhận vật nuôi nhà mình vì sợ phải chịu trách nhiệm với người bị nạn.

Cách đây gần 01 năm, anh N.T.D ở TP. Buôn Ma thuột điều khiển xe máy đi trên đường Tỉnh lộ 8, đoạn qua địa bàn thôn Tân Lập (xã Cư Dliê M’nông), bỗng xuất hiện một con chó đột ngột chạy băng sang đường. Dù chạy với tốc độ không cao nhưng do gặp phải tình huống bất ngờ và phanh gấp nên anh D bị ngã nhào, trượt dài trên mặt đường gần 10m. Rất may, vụ tai nạn không gây tử vong nhưng anh D đã bị gãy chân trái… “Chó lao ra đường quá đột ngột, không kịp trở tay nên tôi bị ngã, chân trái bị xe đè lên dẫn đến gãy xương, phải tiến hành mổ nối lại. Khi xảy ra sự việc cũng không ai đứng ra nhận trách nhiệm đã thả rông chó ra đường dẫn đến xảy ra tai nạn”, anh D chia sẻ.

Tại tuyến đường buôn M’lăng (xã Ea Tar) cách đây không lâu đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông liên hoàn do đâm phải heo thả rông trên đường khiến 4 thanh niên đi trên 2 xe máy bị thương, rất may không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, khi vụ tai nạn xảy ra, con heo đã trở nên “vô chủ” vì không có người nhận. Một hộ dân ở buôn M’Lăng-cho biết:“Chiếc xe đi trước tông vào con heo khoảng 60kg, làm nó chết tại chỗ. Xe đi đằng sau không xử lý kịp đã tông vào xe đi trước, cả 4 người đi trên 2 xe đều bị thương nặng, xe bị nát hết. Không ai nhận là heo của gia đình mình nên chủ xe phải tự lo tiền mua thuốc men và sửa xe...”.

Đây chỉ là 02 trong rất nhiều vụ tai nạn do người tham gia giao thông va quệt, không phản ứng kịp khi gia súc, gia cầm ngang nhiên đi trên đường. Hầu hết người dân đều biết mức độ nguy hại của việc thả rông gia súc, gia cầm nhưng do tâm lý chủ quan, cũng như chưa hiểu rõ về trách nhiệm của chủ vật nuôi nên tình trạng này vẫn xảy ra phổ biến. Điều đáng nói, ngoài các tuyến đường giao thông nông thôn, tình trạng này còn diễn ra ở cả đường tỉnh lộ, nơi có phương tiện lưu thông đông đúc, gây nguy hiểm cho người đi đường, mặc dù chính quyền địa phương có nhiều biện pháp hạn chế nhưng vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Ông Trần Xuân Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tar cho biết: “Tập quán chăn nuôi heo thả rông nhiều đời nay của đồng bào dân tộc Ê-đê nên khó có thể xóa bỏ ngay được. Xã Ea Tar có 11 thôn, buôn, trong đó có 6 buôn đồng bào DTTS, hầu hết các buôn đều xảy ra tình trạng nuôi heo thả rông. Những năm trước, việc chăn nuôi thả rông rất phổ biến, nay đã có giảm nhưng chưa triệt để...”.

Để tránh tình trạng vật nuôi gây tai nạn cho người tham gia giao thông, chủ nuôi cần quản lý tốt vật nuôi, hạn chế thả rông vật nuôi ra đường. Đồng thời, người tham gia giao thông cần cẩn trọng, làm chủ được tốc độ khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng cần có những biện pháp xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm và tái phạm...

TRUNG DŨNG

Tin cùng chuyên mục
Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Thủ phủ cà phê mùa... "canh trộm"!

Vào mùa thu hoạch cà phê với giá cà phê đang ở mức cao kỷ lục, người trồng cà phê Tây Nguyên vui mừng khôn xiết, song họ cũng đang mất ngủ tìm đủ mọi giải pháp “canh trộm”, bảo vệ thành quả lao động của mình. Đồng hành với nông dân, chính quyền, lực lượng Công an, dân phòng cũng có nhiều cách làm giúp nông dân bảo vệ nông sản, góp phần bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở.