Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Tiêm chủng mở rộng ở vùng DTTS - Phá vỡ những thách thức: Nhận diện những khó khăn (Bài 1)

Lê Hường - 21:33, 17/11/2020

Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, thu hút được sự hỗ trợ của Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tiêm chủng tại các địa phương ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn khu vực Tây Nguyên vẫn còn thấp, tiềm ẩn nguy cơ nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát.

Trạm y tế xã Quảng Hòa tiêm phòng bạch hầu tại Hội trường thôn 12.
Trạm y tế xã Quảng Hòa tiêm phòng bạch hầu tại Hội trường thôn 12.

Hiện nay, nhiều địa phương có đông đồng bào DTTS vẫn là “vùng lõm” trong Chương tình TCMR quốc gia, nhất là khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, đồng bào DTTS di cư tự phát gần như không tiếp cận dịch vụ tiêm chủng nên đã trở thành ổ dịch của nhiều loại bệnh truyền nhiễm như sởi, bạch hầu…

Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát

Dịch bạch hầu bùng phát ở Tây Nguyên trong vài tháng qua hầu hết diễn ra ở những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Trong đó, xã Quảng Hòa, huyện Đăk G’long (Đăk Nông) là ổ dịch nguy hiểm với 15 ca bệnh, trong đó có 1 ca tử vong.

Xã Quảng Hòa có 7 thôn, 90% dân số là đồng bào DTTS, trong đó có hơn 70% là đồng bào Mông sinh sống trong các thung sâu, bìa rừng heo hút, có những cụm, điểm dân cư cách trung tâm xã 20 - 30km. Nhiều năm qua, người dân nơi đây ít chú trọng TCMR, tỷ lệ tiêm chủng trên địa bàn xã thấp, chỉ đạt khoảng 50 - 60%.

Chị Vàng Thị Sùng 36 tuổi ở thôn 11 có 6 đứa con, thì 5 đứa còn đều đang học trường tiểu học, THCS ở xã. Chị Sùng chia sẻ: Trước đây, đồng bào mình chỉ lo làm kinh tế, ít quan tâm đến việc tiêm phòng bệnh cho con cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác. Sau này nghe cán bộ tuyên truyền, vận động nhiều và thấy thực tế ở đây xuất hiện nhiều dịch bệnh nên giờ nghe nói đi tiêm để phòng bệnh là mình đưa con đi tiêm ngay.

Theo báo cáo của Trạm Y tế xã Quảng Hòa, hiện Trạm có 7 cán bộ, cùng 7 cộng tác viên y tế thôn. Trạm tổ chức tiêm phòng theo định kỳ hằng tháng vào các ngày 22 tại Trạm, 23, 24 tại Hội trường thôn, điểm dân cư. Những năm qua, địa phương xảy ra nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như sởi, thủy đậu, bạch hầu… Năm 2018, trên địa bàn thôn 11 và 12 đã bùng phát dịch sởi với 29 ca bệnh. Năm 2019 cũng có 15 ca thủy đậu và năm nay toàn xã có 15 ca bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong.

“Trạm Y tế thành lập giữa năm 2008, thời điểm này, TCMR còn rất lạ lẫm với người dân nơi đây. Việc tuyên truyền, vận động người dân tham gia tiêm chủng vô cùng gian nan bởi địa bàn rộng, địa hình khó khăn, nhận thức người dân thấp”, một cán bộ của Trạm Y tế xã Quảng Hòa chia sẻ.

Tỷ lệ tiêm chủng chưa cao

Ông Nguyễn Tôn Đông Khoa, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa cho biết: Những năm trước, việc vận động người dân địa phương tham gia TCMR gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người không hợp tác, tìm mọi cách trốn tránh nên tỷ lệ TCMR của xã thấp, đặc biệt trong vùng đồng bào Mông. Trong khi đó, địa bàn rộng, nhiều cụm dân cư ở sâu trong rừng, đường sá đi lại rất khó mà lực lượng y tế lại mỏng. Cán bộ y tế đã phải đến từng nhà để tuyên truyền, vận động nhưng bà con viện đủ mọi lý do để từ chối tiêm chủng, nào là tiêm xong con bị sốt cao cho rằng thuốc giả, rồi con đang khỏe mạnh không cần phải tiêm… Nên những năm trước, tỷ lệ tiêm chủng của xã đạt thấp.

“Kiên trì tuyên truyền, bằng những dẫn chứng cụ thể từ thực tế các loại dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thì bà con cũng hưởng ứng hơn. Mấy năm trở lại đây, nhiều người dân đã có ý thức hơn trong việc tiêm phòng bệnh nên đã đưa con đi tiêm phòng đều đặn hằng tháng. Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng đã đạt 85%. Song, bên cạnh đó vẫn còn một số người rất thờ ơ”, ông Khoa cho biết.

Theo ông Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ðăk Glong, một số loại dịch bệnh khi khởi phát rất khó xác định nguồn lây, điển hình như dịch bệnh bạch hầu. Các ca bệnh chủ yếu từ 7 tuổi trở lên, chưa được tiêm đủ mũi Vacxin phòng bệnh bạch hầu hoặc tiêm không đủ mũi. Các bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu trên địa bàn huyện hầu hết là đồng bào Mông, sống biệt lập nên những năm trước việc TCMR chưa được quan tâm, tỷ lệ tiêm chủng rất thấp. Đặc biệt, nhiều trẻ di cư tự phát vào Tây Nguyên không có sổ sách theo dõi, cán bộ y tế không nắm được lịch sử tiêm chủng của trẻ.

Về nguyên tắc TCMR sẽ tiêm tập trung ở một điểm trong thôn, xã vì Vacxin phải được bảo quản đúng quy trình. Tuy nhiên, do địa bàn khó khăn, người dân chưa thực sự hiểu tác dụng của tiêm chủng nên nhân viên y tế đã phải đến từng nhà vận động, thuyết phục, giải thích cặn kẽ, nhưng nhiều người vẫn từ chối tiêm chủng dẫn đến cộng đồng không có miễn dịch. 

Tin cùng chuyên mục