Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tiêm chủng ngừa vaccine COVID-19 cho thú nuôi

Nguyệt Anh (T/h) - 15:31, 05/01/2022

Vườn thú Buin ở Chile đã tiến hành tiêm chủng ngừa C-19 cho 10 thú nuôi trong chiến dịch tiêm chủng thử nghiệm, đặc biệt trong đó có một con hổ Bengal và một con đười ươi Borneo. Trước đó, một vườn thú tại vùng Vịnh San Francisco (Mỹ) đang triển khai tiêm ngừa vaccine COVID-19 cho một số con vật có nguy cơ lây nhiễm.

Hổ Bengal được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Vườn thú Buin ở Chile ngày 3/1/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN
Hổ Bengal được tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Vườn thú Buin ở Chile ngày 3/1/2022. Ảnh: AFP/ TTXVN

Nhiều vườn thú tại Mỹ, Bỉ, Croatia, Singapore hay Indonesia... đã phát hiện các trường hợp thú nuôi mắc COVID-19.

Do đó, việc tiêm chủng cho thú nuôi đang được nhiều quốc gia triển khai để phòng bệnh cho thú nuôi đồng thời ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm cho khách tham quan khi các vườn thú mở cửa trở lại.

Vườn thú Buin ở Chile đã tiến hành tiêm chủng ngừa COVID-19 cho 10 thú nuôi trong chiến dịch tiêm chủng thử nghiệm, đặc biệt, trong đó có một con hổ Bengal và một con đười ươi Borneo - hai loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng.

Đây là vườn thú đầu tiên tại khu vực Mỹ Latinh triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19 cho thú nuôi.

Cùng với hổ Charly, 3 tuổi, thuộc loài hổ Bengal và đười ươi Sandai, 26 tuổi, thuộc loài đười ươi Borneo, 3 con sư tử, 2 con hổ khác và 3 con báo đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi thứ hai vào ngày 3/1.

Tiêm vaccine cho đười ươi. (Nguồn: AFP)
Tiêm vaccine cho đười ươi. (Nguồn: AFP)

Trước đó, mũi tiêm đầu tiên đã được thực hiện vào ngày 13/12/2021.

Vaccine được sử dụng là loại vaccine được phát triển riêng cho động vật, nhưng chưa đưa vào thương mại hóa.

Người phụ trách bộ phận thú y tại vườn thú Buin cho biết ý tưởng tiến hành chiến dịch tiêm chủng thử nghiệm này là nhằm bảo vệ những động vật được cho là dễ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nhất, đồng thời kiểm tra xem vaccine có tạo ra miễn dịch hay không, và nếu có thì hiệu quả kéo dài bao lâu.

Trước đó, tại vườn thú tại vùng Vịnh San Francisco (Mỹ), 2 con hổ Ginger và Molly là 2 con vật đầu tiên trong sở thú Oakland được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Bà Alex Herman, Phó Chủ tịch Dịch vụ Thú y tại sở thú cho biết, đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ con vật nào nhiễm virus SARS-CoV-2, song chúng tôi muốn chủ động. Hổ, gấu đen, gấu xám, sư tử núi và chồn hương là những loài động vật đầu tiên được tiêm liều đầu tiên. Tiếp theo là các loài linh trưởng và lợn.

Một con chồn hương được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại vườn thú Oakland. Ảnh: abcnews.go.com
Một con chồn hương được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại vườn thú Oakland. Ảnh: abcnews.go.com

Công ty dược phẩm Zoetis đã quyên tặng trên 11.000 liều vaccine ngừa COVID-19 cho các con vật sống trong gần 70 sở thú cũng như hơn 10 khu bảo tồn, viện học thuật và các tổ chức chính phủ rải rác ở 27 bang.

Phó Chủ tịch Zoetis Mahesh Kumar cho hay, từ năm 2020, Công ty đã bắt tay vào phát triển một loại vaccine ngừa COVID-19 dùng cho các loài động vật trong nước.

Vườn thú San Diego đã bắt đầu tiêm chủng cho các loài linh trưởng hồi tháng 1 năm 2021 sau khi phát hiện có ca mắc COVID-19 trong một bầy khỉ tại công viên Safari thuộc khuôn viên. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ít nhất 75% bệnh truyền nhiễm mới xuất hiện có nguồn gốc từ động vật.

Loài linh trưởng có gien tương đồng đến 98% ADN với loài người. Trong khi đó, các nhà khoa học cũng đã xác nhận các trường hợp mắc COVID-19 ở khỉ đột, hổ, sư tử, chó và mèo.