Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Tiếp nối truyền thống "thương người như thể thương thân"

PV - 20:06, 26/04/2022

Đây là mong muốn, chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi đến dự kỷ niệm 30 năm thành lập Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, chiều 26/4.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trẻ em mồ côi, người khuyết tật cần được trợ giúp cả về vật chất lẫn tình cảm, thời gian - Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng trẻ em mồ côi, người khuyết tật cần được trợ giúp cả về vật chất lẫn tình cảm, thời gian - Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chân thành cảm ơn tới các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nhiều năm qua đã đóng góp, giúp đỡ hàng chục triệu người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, trở thành những người có ích, cảm hoá nhiều người khác không ngừng nỗ lực vươn lên.

Không chỉ vậy mà còn có hàng triệu người đang thầm lặng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn xung quanh, tiếp tục lan toả tinh thần vượt lên số phận, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn.

Phó Thủ tướng cũng gửi lời thăm hỏi, động viên đến những người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là người khuyết tật, các cháu nhỏ mồ côi. Những người làm công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc người khuyết tật, trẻ em mồ côi, bằng tình thương, cùng với toàn xã hội, đã phần nào làm vơi đi sự mất mát, thiệt thòi của những số phận không may mắn.

30 năm qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò của một tổ chức xã hội từ thiện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật và trẻ mồ côi.

Tại lễ kỷ niệm, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi - Ảnh: VGP/Đình Nam
Tại lễ kỷ niệm, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi - Ảnh: VGP/Đình Nam

Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã trực tiếp vận động ủng hộ được tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền là hơn 5.385 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 458 tỷ đồng (chiếm khoảng 9% so với tổng quỹ hội vận động được) để thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên và thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao. Hội đã thực hiện các hoạt động, trợ giúp cho trên 25,8 triệu lượt đối tượng được hưởng lợi.

Từ những hoạt động trợ giúp thiết thực, tổ chức Hội đã trở thành địa chỉ tin cậy, người bạn đồng hành của tổ chức, cá nhân tài trợ và người khuyết tật, trẻ mồ côi.

Tính đến hết năm 2021, cả nước có 45 Hội cấp tỉnh, thành; 292 Hội cấp quận, huyện; 2.006 Hội cấp xã, phường; 1.565 chi hội và có 5.938 hội viên tập thể; 566.335 hội viên cá nhân.

Đến nay, các tổ chức của Hội đã có quan hệ hợp tác với khoảng 150 tổ chức, cá nhân nước ngoài, phát huy tốt vai trò của tổ chức xã hội trong việc tham gia công tác đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng, vun đắp cho mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và bạn bè quốc tế.

Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam từng bước đẩy mạnh việc tham gia xây dựng chính sách, phản biện xã hội cũng như việc trợ giúp pháp lý cho đối tượng. Với thuận lợi có mạng lưới tổ chức ở các cấp, hoạt động Hội bám sát với nhu cầu của đối tượng, nắm bắt những khó khăn vướng mắc, nguyện vọng của người khuyết tật, trẻ mồ côi để từ đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện chính sách.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam trong nhiệm kỳ mới (2022-2027) tiếp nối sự nghiệp chăm sóc tất cả mọi người, đặc biệt là người khuyết tật, người yếu thế, phát huy truyền thống "thương người như thể thương thân".

Theo Phó Thủ tướng, cả nước hiện có khoảng 400.000 trẻ mồ côi, 6,4 triệu người khuyết tật, nhưng bên cạnh đó còn rất nhiều trẻ em có hoàn cảnh gia đình vô cùng éo le, không được hưởng sự chăm sóc đầy đủ như những trẻ em bình thường khác; hay những người bị ảnh hưởng về tâm lý như tự kỷ, trầm cảm lâu ngày. Đây là những đối tượng cần được nhận diện, hỗ trợ càng sớm càng tốt.

Bên cạnh việc tăng cường các hoạt động, huy động ngày càng nhiều sự đóng góp vật chất, Phó Thủ tướng cho rằng nhiều trẻ em mồ côi, người khuyết tật cũng rất cần sự chia sẻ, trợ giúp về tri thức, thời gian, tình cảm.

"Làm sao mỗi sự huy động, hỗ trợ đến được đúng người, đúng lúc, không bị chỗ thừa, chỗ thiếu. Chúng ta có thể làm được điều đó bằng cách ứng dụng công nghệ thông tin", Phó Thủ tướng gợi mở và nhấn mạnh "đất nước không thể nghèo mãi, phải giàu lên nhưng không bằng mọi giá, quan trọng hơn là mọi người đều được sống an lành, tràn ngập yêu thương. Mỗi người một việc, mỗi người đóng góp một chút, cùng san sẻ để ai ai cũng cảm thấy hạnh phúc".

Trước đó, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2022-2027 và đề ra các chỉ tiêu cụ thể: Vận động nguồn lực đạt ít nhất 3.000 tỷ đồng; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho 8.000 người; phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho 50.000 ca; phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng, phẫu thuật tim cho 5.000 ca; hỗ trợ mua 60.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người khuyết tật nhẹ và đối tượng khác thuộc hộ có hoàn cảnh khó khăn; tặng 45.000 xe lăn, xe lắc, dụng cụ trợ giúp; 25.000 xe đạp; 60.000 suất học bổng...

Tin cùng chuyên mục
Khai mạc Festival Ninh Bình chủ đề “Dòng chảy di sản”

Khai mạc Festival Ninh Bình chủ đề “Dòng chảy di sản”

Tối 24/11, tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế (thành phố Ninh Bình) đã diễn ra Lễ khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề "Dòng chảy di sản". Đây là sự kiện văn hóa - du lịch có ý nghĩa rất quan trọng, tái hiện những mốc son lịch sử huy hoàng của dân tộc.