Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, luật liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa

Hoàng Quý - 18:55, 21/08/2024

Trả lời chất vấn liên quan đến ngành công nghiệp văn hóa trong phiên chất vất và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, thời gian qua, đóng góp của nền công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế đã chiếm tỷ trọng khá cao.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương)
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương)

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bình Dương, đề nghị Bộ trưởng đề cập rõ hơn về việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã triển khai chính sách phát triển ngành công nghiệp văn hóa chưa và nếu đã thực hiện thì liệu có thể công bố được chưa cũng như thời gian nào hoàn thành chính sách này?

Trả lời câu hỏi của ĐBQH về công nghiệp văn hóa, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, công nghiệp văn hóa là vấn đề Đảng ta hết sức quan tâm, đã được ghi vào các văn kiện, các Nghị quyết chuyên đề. Để triển khai Nghị quyết, Chính phủ đã có Quyết định số 1755 năm 2016 phê duyệt chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Quá trình tổ chức thực hiện chiến lược để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng, chúng ta đã có đánh giá lại, từ đó nhận diện 12 loại hình công nghiệp văn hóa, gồm: Quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, dịch vụ du lịch văn hóa. Với 12 nhóm ngành này, theo phân cấp quản lý, Bộ VHTT&DL chỉ quản lý nhà nước ở 5 nhóm ngành, còn lại các ngành khác thì các bộ, ngành khác nhau đảm đương công việc. Khi đánh giá lại tổng quát, có thể thấy đóng góp của nền công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế đã chiếm tỷ trọng khá cao.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Để tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa trong tình hình hiện nay, Bộ VHTT&DL đã chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ. Lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức Hội nghị về công nghiệp văn hóa toàn quốc, nhằm tập trung đánh giá lại hiệu quả thực hiện, xác định các trọng tâm, nhiệm vụ, giải pháp, ban hành chỉ thị kết hợp với chiến lược công nghiệp văn hóa mới. Trong đó, về khuôn khổ pháp lý, sẽ tiếp tục báo cáo Quốc hội để hoàn thiện các chính sách, luật có liên quan; xác định đề cao vai trò chủ thể của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà sáng tạo; tập trung vừa làm, vừa triển khai diện rộng, đồng thời áp dụng vào các thị trường trọng điểm, tiềm năng.

Vừa qua, các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội đã cho phép TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh triển khai, có chiến lược, đề án riêng cho lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp văn hóa cũng rất tích cực, có tác động lan tỏa, vừa phát huy được sức mạnh mềm, kiến tạo sự phát triển bền vững.