Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách dân tộc

PV - 22:16, 23/08/2019

Tại Đại hội Đại biểu tỉnh Tuyên Quang lần thứ III năm 2019, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã có bài phát biểu chỉ đạo Đại hội. Báo Dân tộc và Phát triển xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Hôm nay, tôi rất vui mừng, phấn khởi, cùng với các vị đại biểu về dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang lần thứ III. Thay mặt Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, tôi xin gửi tới đồng chí Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; các đồng chí lãnh đạo của tỉnh qua các thời kỳ, các vị đại biểu và toàn thể Đại hội lời chào trân trọng, tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

57806B14-098A-494F-B746-A4F97553BFCD

Kính thưa các vị đại biểu ! Kính thưa toàn thể Đại hội !

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số, với 13,6 triệu người, chiếm 14,6% dân số cả nước, sinh sống thành cộng đồng ở 5.266 xã, 458 huyện, 51 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích tự nhiên của cả nước. Đảng và Nhà nước ta luôn xác định, đại đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của nước ta; các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc, giúp nhau cùng phát triển; chăm lo đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị.

Tỉnh Tuyên Quang có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 51,7% dân số của tỉnh; theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Tuyên Quang có 26 xã khu vực I; 54 xã khu vực II; 61 xã khu vực III và có 2 huyện 30a. Như vậy, Tuyên Quang hội tụ đủ các yếu tố là một tỉnh dân tộc và miền núi. Tuyên Quang là tỉnh giàu truyền thống cách mạng. Thời kỳ tiền khởi nghĩa, là Thủ đô Khu giải phóng; thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, là Thủ đô Kháng chiến. Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và hầu hết các bộ, ngành trung ương đều đóng trụ sở tại Tuyên Quang. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, cùng với các địa danh lịch sử: Kim Bình, Kim Quan, Minh Thanh… luôn gắn với những trang lịch sử chói lọi của cách mạng Việt Nam. Trong thời kỳ cam go của cuộc kháng chiến, quân và dân Tuyên Quang đã hiệp đồng chặt chẽ với quân chủ lực chiến đấu quả cảm, ngoan cường, làm nên chiến thắng vang dội như: Bình Ca, Cầu Nghiêng Km 7, Khe Lau, Yên Nguyên, Đèo Cả... đập tan âm mưu của quân địch tấn công lên chiến khu, bảo vệ an toàn Trung ương Đảng, Bác Hồ và cơ quan đầu não của cách mạng, lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi hoàn toàn.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng và quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, được Trung ương đánh giá cao. Về lĩnh vực công tác dân tộc, Tuyên Quang cũng là một trong số các tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật:

(1) Về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số và phát triển đảng viên, chi bộ ở thôn, bản: Nhiều nhiệm kỳ qua, tỷ lệ người dân tộc thiểu số trong cấp ủy, hội đồng nhân dân các cấp cao nhất trong khu vực. Hiện nay, 100% thôn, bản có chi bộ độc lập, làm hạt nhân lãnh đạo; giai đoạn 2014 - 2018 kết nạp được gần 5.600 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm 54,2% số đảng viên mới kết nạp của tỉnh.

(2) Tuyên Quang là tỉnh điển hình về phát huy sức mạnh của toàn dân trong việc xây dựng giao thông nông thôn và kênh mương nội đồng. Thực hiện “Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn” với phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 2.400 km, làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn. Theo đó đã có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

(3) Tuyên Quang là một trong những tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách dân tộc của Trung ương và địa phương. Thống kê chưa đầy đủ trong giai đoạn 2014 - 2018, ngân sách Trung ương đã đầu tư 1.020 tỷ đồng để thực hiện 14 chính sách (chưa kể kinh phí mua bảo hiểm y tế và hỗ trợ người dạy, người học trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú ở địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Trong đó, qua kênh của Ủy ban Dân tộc theo dõi khoảng hơn 800 tỷ đồng. Vì vậy, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh giảm nhanh, khá bền vững; chất lượng sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa... được nâng lên một bước, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt.

(4) Công tác tuyên truyền, vận động ở địa bàn đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, có nhiều cách làm sáng tạo, xây dựng được nhiều mô hình tốt. Nhất là các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; các mô hình giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc; mô hình tương thân, tương ái, giúp nhau lúc khó khăn, hoạn nạn; “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”. Thông qua công tác tuyên truyền, vận động đã khơi dậy được ý chí tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên; đồng lòng chung sức xây dựng thôn bản “Đoàn kết, ấm no, bình yên và phát triển”.

(5) Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng về công tác dân tộc và thực hiện tốt chính sách dân tộc. Các quyền lợi của nhân dân về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được đảm bảo; đời sống không ngừng được cải thiện, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của đồng bào đối với Đảng và Nhà nước; thế trận lòng dân và khối đại đoàn kết các dân tộc được xây dựng vững chắc, là tiền đề quan trọng để xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng phát triển, giàu đẹp.

Nhân dịp Đại hội hôm nay, tôi xin chia sẻ một số thông tin và mong muốn tỉnh Tuyên Quang quan tâm phối hợp để công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống một cách thực chất hơn, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Một là, sau rất nhiều nỗ lực của Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, với sự phối hợp chặt chẽ của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và sự giúp đỡ của các bộ, ngành, địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 13/8/2019 thông qua Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thủ tướng Chính phủ đã ủy quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ký Tờ trình với Quốc hội phê duyệt Đề án, theo đó xây dựng “Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thực hiện từ năm 2021. Đây là một dấu ấn đậm nét trong lịch sử công tác dân tộc. Triển khai thực hiện tốt chương trình này sẽ căn bản khắc phục được tồn tại, hạn chế hiện nay. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ có cơ hội phát triển mới. Vì vậy, chúng tôi rất mong Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, trực tiếp là Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh tại kỳ họp thứ 8, tháng 10/2019 ủng hộ để Quốc hội phê duyệt Đề án và Chương trình mục tiêu Quốc gia nêu trên.

Hai là, nguyên tắc căn bản nhất của Đảng và Nhà nước ta về đại đoàn kết dân tộc: Các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giải quyết hài hòa quan hệ giữa các dân tộc giúp nhau cùng phát triển. Trên thực tế, hiện nay đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn. Còn 9 tỉnh có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo chiếm trên 90% hộ nghèo của tỉnh; 4 tỉnh có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo chiếm từ 70 - 90%; 14 tỉnh có tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số nghèo từ 50% đến dưới 70% (tỉnh Tuyên Quang nằm ở tốp giữa). Do vậy, trong lãnh đạo, chỉ đạo, trân trọng đề nghị tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư tạo sinh kế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của người dân. Nếu không có giải pháp đột phá, với quyết tâm chính trị cao thì đến một lúc nào đó, có thể hộ nghèo sẽ chỉ còn lại là người dân tộc thiểu số.

Ba là, mọi chính sách do Trung ương hay địa phương ban hành đều nhằm đến mục tiêu tăng nhanh hộ giàu, giảm hộ nghèo một cách bền vững. Để làm được như vậy đối với đồng bào DTTS, vấn đề khó khăn nhất là tạo sinh kế bền vững. Vì lẽ đó, định hướng chính sách trong giai đoạn tới là “giảm cho không, tăng cho vay ưu đãi, hỗ trợ có điều kiện” trong đó tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội là một kênh huy động vốn quan trọng nhất, sẽ tăng định mức vay của một hộ, khuyến khích cơ chế cho vay theo dự án vừa và nhỏ, tạo sản phẩm theo chuỗi giá trị. Đồng thời khơi dậy tinh thần chủ động vượt khó của đồng bào dân tộc thiểu số, nỗ lực cùng với Nhà nước và xã hội thì công cuộc giảm nghèo bền vững mới thành công.

Bốn là, thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Ban Bí thư và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2020 sẽ tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ II tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc, là niềm tin của gần 14 triệu đồng bào DTTS cả nước hướng về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trân trọng đề nghị tỉnh chọn cử đoàn đại biểu theo đúng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương, đại diện cho đồng bào các dân tộc tỉnh ta dự Đại hội, tham gia hiệu quả các hoạt động, góp phần vào thành công của Đại hội toàn quốc.

Từ diễn đàn Đại hội hôm nay, chúng tôi tin tưởng chắc chắn, đồng bào các dân tộc của tỉnh ta tiếp tục phát huy truyền thống quê hương cách mạng; tuyệt đối tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng; chấp hành nghiêm chính sách pháp luật; tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; khai thác tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, tăng nhanh hộ giàu, giảm hộ nghèo bền vững; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc, phong phú, đa dạng trong sự thống nhất của văn hóa Việt Nam; không ngừng củng cố, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, đồng lòng chung sức xây dựng tỉnh Tuyên Quang ngày càng phát triển giàu đẹp; mọi gia đình, mọi người đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn!

Tin cùng chuyên mục
Những tiếng chiêng buồn trên cao nguyên Tu Mơ Rông !

Những tiếng chiêng buồn trên cao nguyên Tu Mơ Rông !

Mặc dù trời mưa lớn, nhưng 8 giờ sáng ngày 26/7, 86/86 thôn làng đồng bào Xơ Đăng huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum đã tổ chức lễ tưởng nhớ, tiễn đưa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong niềm tiếc thương vô hạn, thể hiện tình cảm của đồng bào Xơ Đăng dành cho Tổng Bí thư, người lãnh đạo luôn một lòng vì nước, vì dân.