Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Tìm giải pháp để cứu sông Cha

Lê Hường - 10:46, 20/07/2020

Việc khai thác cát diễn ra nhiều năm đang làm sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ Krông Nô; nhiều diện tích đất sản xuất trôi theo dòng nước, ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân sinh sống dọc hai bên bờ sông, thậm chí nhiều hộ mất cả nhà ở. Mới đây, hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông tổ chức hội thảo lấy ý kiến chuyên gia và bàn bạc tìm giải pháp để cứu con sông này.

Bờ sông Krông Nô thường xuyên sạt lở, ăn sâu vào đất liền hàng chục mét
Bờ sông Krông Nô thường xuyên sạt lở, ăn sâu vào đất liền hàng chục mét

Sông Cha kêu cứu

Sông Krông Nô (tiếng Ê Đê gọi là sông Cha) là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Đăk Lăk và Đăk Nông; có chiều dài gần 190km chảy qua 3 tỉnh Tây Nguyên gồm Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng. Từ khi cơ quan chức năng cấp phép khai thác cát và xây dựng thủy điện, sông Cha bị “bức tử” từng ngày. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện dọc sông Krông Nô ghi nhận 17 điểm sạt lở với chiều dài 10km, cuốn trôi cả trăm ha đất sản xuất của người dân, đe dọa hoạt động của các công trình thủy lợi… 

 Xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô) được xem là vùng trồng lúa trọng điểm lương thực của tỉnh Đăk Nông với diện tích hàng trăm ha. Ở đây, đất đai màu mỡ, phì nhiêu, năng suất lúa cao nhất nhì tỉnh. Tuy nhiên, những năm qua, tình trạng khai thác cát diễn ra thường xuyên dẫn đến hai bên bờ sông sạt lở cuốn đi diện tích lớn lúa nước của người dân. 

Tương tự, hàng trăm người dân Tổ tự quản 3, buôn Plao Siêng, xã Ea R’bin, huyện Lăk (Đăk Lăk) cũng sống trong cảnh thấp thỏm sợ bờ sông nuốt. Trước đây, lòng sông rất hẹp, mặt nước cạn, người dân có thể lội qua sông dễ dàng, nhưng nay lòng sông mở rộng đến cả trăm mét, lấy đi diện tích lớn đất ở và đất sản xuất của người dân. 

Gia đình ông Hoàng Văn Liệu đã 3 lần bị nước sông cuốn phăng ngôi nhà đang ở. Ông Diệu cho biết: “Cứ sông lấn đất là gia đình tôi lại chuyển vào trong, vị trí ngôi nhà tranh đầu tiên của tôi giờ đã nằm ở giữa dòng sông. Hàng năm sông ăn vào bờ hàng chục mét đất, với tốc độ này, chẳng mấy chốc mà hết đất sản xuất”.

Cùng bàn giải pháp

Ngày 30/6/2020, UBND tỉnh Đăk Nông và UBND tỉnh Đăk Lăk phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá thực trạng và các giải pháp chống sạt lở bờ sông Krông Nô khu vực giáp ranh 2 tỉnh Đăk Lăk- Đăk Nông” nhằm tìm giải pháp ngăn chặn tình trạng sạt lở hai bên bờ sông Krông Nô.

Tại Hội thảo này, PGS.TS Bùi Tá Long, Trường Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh nhận định: Hoạt động và sinh kế của các cư dân xung quanh phụ thuộc rất nhiều dòng sông này. Tình trạng sạt lở, xói mòn trên dòng sông đã ảnh hưởng trực tiếp đến dòng chảy, hình thái dòng sông và an toàn cư dân. 

“Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do việc khai thác cát, nhất là tình trạng “cát tặc”, khai thác cát vượt công suất nên cần xem xét lại việc khai thác cát trên sông”, ông Long cho biết.

Còn theo TS. Ngô Thị Bích Đào, Công ty Tư vấn LAPAT Quốc tế, để hạn chế tình trạng sạt lở trên sông Krông Nô nên thực hiện Đề án kè sinh thái 3 lớp. Tận dụng các vật liệu tự nhiên có sẵn ở địa phương, với giá thành chi phí hợp lý mà chịu được tác động của dòng chảy làm sạt lở bờ sông. TS. Đào cho hay, bờ kè “mềm” 3 lớp này đã giúp sông Thu Bồn, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam hạn chế được tình trạng sạt lở.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường cũng đề xuất nên tìm vật liệu khác thay thế cát sông, giảm dần khai thác cát trên sông Krông Nô. Hai tỉnh Đăk Lăk- Đăk Nông cần có quy chế phối hợp, tăng cường quản lý việc khai thác cát, sỏi; quản lý bến cát và tuần tra kiểm soát trên sông.

Tin cùng chuyên mục