Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Cát tặc vẫn tung hoành trên sông Cái

PV - 13:38, 02/05/2018

Nhiều năm qua, tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra trên sông Cái (thuộc địa bàn huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) khiến bờ sông Cái tại các xã Diễn Sơn, Diên Lâm, Diên Xuân bị sạt lở nặng.

Theo lãnh đạo huyện Diên Khánh, thực trạng này đã được địa phương kiểm soát, Công an tỉnh cũng đã vào cuộc lập chuyên án điều tra. Tuy nhiên, qua thực tế dọc sông Cái vẫn có rất nhiều điểm khai thác cát trái phép hoạt động công khai?

Những ngày cuối tháng 4, chạy xe máy dọc theo tỉnh lộ 8 đến các xã Diên Sơn, Diên Lâm, Diên Xuân, huyện Diên Khánh, chúng tôi thấy rất nhiều bãi tập kết cát lậu quy mô hàng ngàn khối. Bên cạnh đó, dọc hai bên bờ sông Cái, các đối tượng “cát tặc” cho thuyền hút cát ngang nhiên dùng những chiếc vòi to với đường kính 20-30cm liên tục sục vào bờ, gây nên tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Nhiều khúc sông, thuộc xã Diên Lâm và Diên Xuân đã xuất hiện những hầm ếch lớn dọc hai bên bờ, nhiều nương, rẫy của người dân đã bị kéo xuống sông.

Tàu bè ra sức rút ruột sông Cái. Tàu bè ra sức rút ruột sông Cái.

 

Không chỉ vậy, bên cạnh cầu sông Cái (thuộc xã Diên Phú) đoạn chảy qua Quốc lộ 1A, nơi có hàng nghìn phương tiện và người qua lại mỗi ngày. Nhưng nơi đây, các đối tượng cát tặc vẫn hoạt động công khai, biến khúc sông này thành một “đại công trường” cát lậu. Điều đáng nói là, tình trạng “rút ruột” sông Cái diễn ra công khai, ngày này qua ngày khác, thế nhưng không thấy cơ quan quản lý truy quét.

Tiếp tục theo dọc bờ sông Cái, chúng tôi chứng kiến hàng chục xe ben lớn của cát tặc chạy ầm ầm, xuống tận bờ sông chở cát về bãi tập kết. Do bị “rút ruột” trong thời gian dài, nên bờ sông Cái sạt lở vào sâu nhiều khu vườn của người dân. Chứng kiến dòng sông Cái bị “rút ruột”, ruộng vườn bị sạt lở nhiều người dân chỉ biết lắc đầu ngao ngán và cam chịu. “Người dân như chúng tôi đâu dám lên tiếng, nói ra các đối tượng mà biết nó trả thù. Các đối tượng cát tặc chỉ sợ lực lượng chức năng nhưng có thấy họ đâu” ông M, một người dân tại xã Diên Xuân buồn phiền.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng khai thác cát trên sông Cái diễn ra với quy mô rất lớn và công khai. Dọc theo tỉnh lộ 8 là hàng chục bãi “cát lậu” được tập kết, xe chở cát ra vào thường xuyên. Dưới sông cũng có hàng chục ghe hút cát chạy tấp nập. Lẽ nào chính quyền địa phương, lực lượng chức năng không biết?

Trao đổi với chúng tôi về tình trạng “cát tặc” lộng hành tại địa phương, ông Võ Thành Nhân, Trưởng Phòng Tài nguyên Môi trường huyện Diên Khánh cho rằng: “Các đối tượng “cát tặc” hoạt động lén lút, hoạt động dưới sông, thấy lực lượng chức năng thì bỏ chạy khó xử lý. Lực lượng chức năng của huyện thì mỏng, khi thực hiện truy quét phải nhờ ca nô của công an. Bắt và xử lý các đối tượng “cát tặc” vô cùng khó khăn?”.

Trong khi đó, ông Đinh Văn Thiệu, Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh lại khẳng định: “Kiểm soát khai thác cát trái phép trên địa bàn là tương đối ổn định, cơ quan chức năng đã kiểm soát được tình hình”. Cũng theo ông Thiệu, Công an tỉnh Khánh Hòa đã vào cuộc lập chuyên án điều tra về khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện.

Với những gì đang diễn ra và cách các cơ quan chức năng xử lý vẫn nạn khai thác cát trên sông Cái hiện nay, khiến dư luận cũng như người dân địa phương cho rằng, có “bảo kê” nên “cát tặc” mới ngang nhiên hoạt động như thế? Cứ như thế này thì nạn “cát tặc” lộng hành trên sông Cái bao giờ mới kết thúc? Câu trả lời dành lại cho các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Người tiên phong trồng chè cành ở Phước Lộc

Người tiên phong trồng chè cành ở Phước Lộc

Gần cả cuộc đời gắn bó với quê hương, bà Ka Hiên, dân tộc Mạ, ở thôn Phước Dũng, xã Phước Lộc, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều công lao, đóng góp, tạo động lực giúp đồng bào các dân tộc ở địa phương vươn lên xóa cái đói, đuổi cái nghèo.