Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Tìm giải pháp để phát huy hiệu quả chính sách dân tộc

PV - 10:17, 24/08/2018

Chính sách dân tộc đã bao phủ nhiều lĩnh vực, tuy nhiên lại rời rạc, thiếu thống nhất. Do đó, đề xuất tích hợp chính sách dân tộc thành một Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ là một giải pháp căn cơ, là liều thuốc đủ mạnh để trị dứt điểm căn bệnh nghèo kinh niên ở vùng DTTS và miền núi.

Bài 2: Tích hợp là giải pháp căn cơ

Vẫn “lạc nhịp” trong phát triển

Như đã phản ánh ở kỳ báo trước, với 116 chính sách hiện hành, hàng năm vùng DTTS và miền núi được bố trí nguồn lực không hề nhỏ để phát triển kinh tế-xã hội. Riêng năm 2018, tổng chi thường xuyên cho khu vực này ước khoảng 96 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây là số liệu mang tính thống kê chung, bao gồm tất cả các chương trình, dự án đã và đang triển khai ở vùng DTTS và miền núi. Tại phiên chất vấn sáng ngày 13/8, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhận xét, hạn chế hiện nay là vẫn chưa có thống kê riêng về nguồn lực dành cho vùng DTTS và miền núi, tức là nguồn lực để thực hiện chính sách dân tộc.

Khu vực miền núi vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. (Trong ảnh: Làm đường nông thôn mới ở bản Đăm, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) Khu vực miền núi vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. (Trong ảnh: Làm đường nông thôn mới ở bản Đăm, xã Đức Vân, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn)

Ở khía cạnh khác, theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng ngân sách chi thường xuyên cho vùng DTTS và miền núi trong 2 năm 2017-2018 là 187 nghìn tỷ đồng. Riêng khu vực 3 Tây (Tây Bắc, Tây Nam bộ, Tây Nguyên), giai đoạn 2016-2020 đã bố trí đầu tư gần 200 nghìn tỷ đồng, vốn ODA là hơn 38 nghìn tỷ đồng, tăng 2,47 lần so với giai đoạn 2011-2015. Đây là nguồn kinh phí không thể nói là ít, nhưng được chia nhỏ để thực hiện nhiều chính sách, do nhiều đầu mối quản lý nên chưa tạo đủ lực để “kích” sự phát triển cho khu vực này; biểu hiện rõ nhất là ở kết quả giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Về giảm nghèo bền vững, theo Quyết định số 862/QĐ-LĐTBXH, ngày 04/7/2018 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,70%. Tuy nhiên, số hộ nghèo DTTS vẫn chiếm tỷ lệ hơn 52% tổng số hộ nghèo cả nước (864.931/1.642.489 hộ nghèo).

Khu vực “3 Tây” vẫn là những vùng “lõi nghèo” của cả nước; trong đó các tỉnh miền núi phía Bắc có 594.797 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 42,88% tổng số hộ nghèo cả nước); khu vực Tây Nguyên có 175.772 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 12,86% tổng số hộ nghèo cả nước; khu vực Tây Nam bộ có 278.290 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,08% tổng số hộ nghèo cả nước… Có những địa phương không còn hộ nghèo (như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương) thì vẫn có nhiều tỉnh miền núi có tỷ lệ hộ nghèo rất cao (Điện Biên 41,01%, Hà Giang 34,18%,…)

Về xây dựng nông thôn mới, vùng DTTS và miền núi vẫn còn “lạc nhịp” so với kết quả chung của cả nước. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện cả nước đã có 3.289 xã (đạt 36,84%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn khá lớn. Cụ thể: Vùng Đồng bằng sông Hồng có 63,33% số xã đạt chuẩn, Đông Nam bộ là 63,22%. Trong khi đó, miền núi phía Bắc chỉ đạt 15,53%, Tây Nguyên 22,5%, Đồng bằng sông Cửu Long 29,43%, duyên hải Nam Trung bộ 30,87%.

Cần một giải pháp tổng thể

Qua nhiều kỳ họp Quốc hội, vấn đề phân tán nguồn lực do có quá nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ, mỗi chính sách lại do một đầu mối quản lý đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, chất vấn. Chính Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Tiến Dũng đã nhìn nhận vấn đề này trong trả lời chất vấn sáng 13/8. Ông khẳng định, nếu cứ rải mành mành và không đi vào thực chất thì những tồn tại này sẽ còn kéo dài mãi.

Để tránh chồng chéo, giai đoạn 2016-2020, nhiều chính sách đặc thù đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi đã được tích hợp. Nhưng vì không nằm trong chương trình mục tiêu nên việc bố trí nguồn lực để thực hiện chưa được quan tâm chú trọng.

Như chính sách đặc thù phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg được ban hành ngày 31/10/2016. Theo quyết định này, ngân sách địa phương sẽ bố trí kinh phí để thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở; ngân sách Trung ương bố trí trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 hỗ trợ có mục tiêu cho các địa phương để thực hiện các chính sách còn lại (hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, định canh định cư).

Tuy nhiên, hiện chính sách đặc thù này vẫn chưa thể triển khai vì chưa có vốn. Được biết, Bộ Tài chính đã dự trù được 280 tỷ đồng từ tiết kiệm chi, bố trí cho các địa phương thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, định canh định cư. Nguồn lực này là quá nhỏ so với nhu cầu; chỉ riêng đất sản xuất, hiện có hơn 200 nghìn hộ đồng bào DTTS đang thiếu đất sản xuất, không có sinh kế.

Rõ ràng, tích hợp chính sách là điều cần thiết; nhưng tích hợp không phải là phép cộng cơ học, dồn các chính sách rải rác thành một chính sách chung. Chính vì vậy, trong phiên trả lời chất vấn ngày 13/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến thiết tha đề nghị Quốc hội, Chính phủ chấp thuận đề xuất tích hợp chính sách dân tộc thành một Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: “Đối với vùng đồng bào DTTS thì điều cần nhất là tích hợp tất cả các chính sách thành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng DTTS, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Ví dụ như một người đang uống thuốc chữa bệnh, uống kháng sinh nhưng chưa đủ liều nên bệnh kéo dài, có thể dẫn đến mãn tính. Do vậy, lúc này cần nhất là cần chương trình đó, tập trung nguồn lực, tập trung chỉ đạo, có mục tiêu cụ thể, hệ thống tiêu chí đánh giá”.

Thực tế, các địa phương vùng DTTS và miền núi với xuất phát điểm thấp, nền tảng kinh tế-xã hội không vững nên đã “hụt hơi” trong thực hiện hai chương trình mục tiêu quốc gia là xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Do đó, việc tích hợp chính sách hiện hành thành một chương trình mục tiêu riêng phát triển vùng DTTS và miền núi là giải pháp căn cơ để gỡ được nhiều “điểm nghẽn” trong việc thực hiện chính sách dân tộc, cả ở cấp độ xây dựng cũng như thực hiện chính sách.

SỸ HÀO