Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Tìm giải pháp phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu

Khánh Thi - 18:37, 26/11/2020

Ngày 26/11 tại TP. Cần Thơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã tổ chức Hội nghị báo cáo và tham vấn Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những vấn đề được quan tâm tại Hội nghị là làm thế nào để phát triển bền vững ĐBSCL trước biến đổi khí hậu.

Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết, vùng ĐBSCL là vùng có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước. Vùng ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây của cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, GDP bình quân đầu người của vùng ĐBSCL vẫn thấp hơn 18% so với mức trung bình của cả nước. Đồng thời, khu vực này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đối khí hậu (BĐKH), các hoạt động phát triển ở thượng nguồn, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.

Trong công tác quy hoạch, để phát triển bền vững vùng ĐBSCL, một trong những tham luận đáng chú ý tại Hội nghị là của ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL. Ông Thiện cho rằng, Quy hoạch vùng ĐBSCL cần áp dụng nguyên tắc “không hối tiếc"; đồng thời, không loại bỏ các phương án thích ứng khác trong tương lai.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL

Theo ông Thiện, BĐKH và nước biển dâng là bối cảnh không chắc chắn, là quá trình dần dần và sẽ còn cập nhật nhiều lần. Ảnh hưởng phía thượng nguồn sông Mekong mà cụ thể là thủy điện hay BĐKH ở phía thượng nguồn cũng chưa chắc chắn. Do vậy, không nên lấy cực đoan làm nền để quy hoạch.

Cũng theo ông Thiện, có 3 loại hối tiếc, gồm: hối tiếc cao, hối tiếc trung bình và hối tiếc thấp. Những hành động hối tiếc cao như việc thâm canh lúa ba vụ, lợi lúc đầu, nhưng đất đai suy kiệt, ảnh hưởng an ninh lương thực về lâu dài, mất không gian hấp thu lũ, mất tài nguyên thủy sản.

Do đó, ông Thiện đề xuất, việc ưu tiên cho ĐBSCL là chuyển hóa nền nông nghiệp, tăng chất lượng, chế biến, chuỗi giá trị, logistics, giao thông. Cùng với đó, ưu tiên giải quyết sụt lún, giảm sử dụng nước ngầm, phục hồi sông ngòi; đồng thời, bộ ba chính sách, gồm: Quyết định số 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020; Luật Quy hoạch năm 2017, Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH là cơ hội “vàng" cho vùng ĐBSCL. Trong đó, Nghị quyết số 120/NQ-CP nếu được thực hiện đúng sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề để phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Tin cùng chuyên mục