Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Tinh giản biên chế ngành giáo dục ở Bình Định: Xem xét cả yếu tố quyền lợi của học sinh

PV - 14:39, 12/06/2018

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ÐT) đang triển khai tinh giản 10% biên chế trong tổng số viên chức. Tuy nhiên với tính chất đặc thù, việc tinh giản đội ngũ này đòi hỏi phải tính toán kỹ và linh hoạt nhằm đảm bảo quyền lợi của người học.

Do không thể tinh giản đội ngũ giáo viên vì phải tuân thủ quy định của Bộ GD&ĐT về tỷ lệ giáo viên đứng lớp trên tổng số học sinh nên các phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh Bình Định đã tính đến phương án sáp nhập các trường theo hướng: mỗi xã, phường, thị trấn chỉ còn 1 trường ở mỗi cấp học. Theo đó, sẽ giảm được một số vị trí như, văn thư, thủ quỹ, y tế… Tuy nhiên, việc sáp nhập này sẽ ảnh hưởng không ít đến quyền lợi của học sinh.

Nhiều trường ở Bình Định đã chọn phương án ghép lớp (Trong ảnh: cô và trò trường mẫu giáo Canh Hiệp, Vân Canh). Nhiều trường ở Bình Định đã chọn phương án ghép lớp (Trong ảnh: cô và trò trường mẫu giáo Canh Hiệp, Vân Canh).

Ông Nguyễn Phương Nam, Trưởng Phòng GD&ĐT TP. Quy Nhơn cho biết, chỉ tiêu UBND thành phố giao cho Phòng từ năm 2015 là, 2.371 biên chế. Làm đúng theo quy định thì đến năm 2021, Phòng sẽ phải giảm 230 biên chế. Qua thăm dò, số người về hưu đến năm 2021 trong toàn thành phố đảm bảo giảm đủ số biên chế. Nhưng cái khó là, có giáo viên về hưu mà không tuyển mới sẽ thiếu người dạy. “Phòng đang tính toán phương án hợp đồng giáo viên, nhưng cũng chỉ vừa đủ. Trước mắt, trong năm 2018, Phòng GD&ĐT TP. Quy Nhơn phải giảm 19 biên chế. Chúng tôi đã lên kế hoạch sáp nhập 6 trường còn 3 trường”, ông Nam cho biết thêm.

Ở cấp THPT và các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT Bình Định cũng đã tính toán việc cắt giảm theo tổng số viên chức, chứ không phải theo từng trường, từng đơn vị. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Thúy Nga, Phó Trưởng Phòng Tổ chức-Cán bộ cho biết, việc cắt giảm được tính toán kỹ dựa vào thực tế số trường, số lớp, số học sinh nhằm duy trì tỷ lệ giáo viên đứng lớp, đảm bảo quyền lợi người học.

Tại huyện Hoài Nhơn, trong năm 2018, ngành Giáo dục huyện cũng phải giảm 9 biên chế nên gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hoài Anh, Trưởng Phòng GD&ĐT cho biết, huyện sẽ sáp nhập 5 trường tiểu học và 4 trường mầm non, mẫu giáo đóng trên địa bàn 2 thị trấn và 4 xã của huyện. Việc sắp xếp, bố trí, điều chuyển cán bộ quản lý và nhân viên các trường được cân nhắc kỹ. Sau khi sáp nhập, sẽ có một vài trường có tổng cộng gần 2.000 học sinh, đòi hỏi Phòng phải tìm kiếm các phương án giúp trường hoạt động hiệu quả.

Còn tại các huyện miền núi như, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão do điều kiện đặc thù nên chưa thể áp dụng tinh giản biên chế theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy nhiên, các phòng GD&ĐT cũng đã chuẩn bị phương án để tinh giản. Theo ông Phạm Minh Chấn, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh, trong năm học 2017-2018, Phòng đã thực hiện 22 lớp ghép đối với cấp tiểu học, một số trường mầm non trên địa bàn huyện cũng ghép lớp.

Có thể khẳng định, việc giảm biên chế trong ngành GD&ĐT là cần thiết và phải được thực hiện nghiêm túc. Việc UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo thực hiện tinh giản biên chế trong năm 2018 và những năm tiếp theo là rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các địa phương cần phải tính toán kỹ để triển khai có lộ trình, linh hoạt, phù hợp thực tế, trong đó đặc biệt phải quan tâm xem xét yếu tố đảm bảo quyền lợi của học sinh.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã lưu ý: Giảm biên chế ở đây phải được hiểu là tinh gọn đảm bảo hiệu quả chứ không phải chỉ để đảm bảo chỉ tiêu. Khuyến khích các trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giảm đội ngũ nhân viên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gợi ý, các trường có thể sử dụng người làm được nhiều việc, thuê nhân viên y tế hay đẩy mạnh sáp nhập các trường gần nhau thành cụm liên trường… Riêng với giáo viên đứng lớp thì bắt buộc phải duy trì tốt tỷ lệ đã quy định hiện hành để đảm bảo quyền lợi người học.

THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Định Hóa (Thái Nguyên): Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho đồng bào DTTS

Định Hóa (Thái Nguyên): Chú trọng phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm cho đồng bào DTTS

Giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo. Với tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm trên 70%, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.