Trước thềm Tết Nguyên đán 2024, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị đã chủ động xin rút khỏi danh sách xin Trung ương hỗ trợ gạo cứu đói. Đây, được cho là động thái gây bất ngờ bởi, mức tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Bình là 5.700 tỉ đồng, Quảng Trị là 3.800 tỉ đồng.
Còn nhớ, thời điểm dịp Tết Nguyên đán 2024, các địa phương, gồm Quảng Trị, Quảng Bình, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Bình Định, Bình Phước, Cao Bằng, Cà Mau, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Hà Giang, Kon Tum, Nghệ An, Ninh Thuận đã có văn bản đề nghị, Chính phủ hỗ trợ tổng cộng hơn 14.100 tấn gạo cứu đói cho trên 181.000 hộ dân, với hơn 935.000 nhân khẩu. Số gạo này được các địa phương hỗ trợ cho các hộ dân thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đồng bào DTTS&MN đang gặp khó khăn...
Hiện tại, Quảng Bình và Quảng Trị vẫn là hai tỉnh nghèo. Đời sống người dân ở các huyện giáp biên phía Tây hãy còn rất khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo ở mức cao. Vì thế, với khoản ngân sách eo hẹp ấy, thì việc có một nguồn kinh phí đủ để chăm lo cho hàng ngàn hộ nghèo, cận nghèo là một thách thức không hề nhỏ cho cán cân kinh tế của địa phương. Thành ra, câu chuyện xin Chính phủ hỗ trợ thêm gạo để cứu đói một bộ phận người dân, đảm bảo các hộ dân ai cũng có Tết no ấm cũng là hợp lý.
Do vậy, việc Quảng Bình và Quảng Trị rút khỏi danh sách xin gạo, không phải vì tỉnh đã hết khó khăn, nhưng lãnh đạo hai tỉnh cho biết, là có thể cân đối các nguồn thu để “tự lo được”. Điều này đã cho thấy tư duy, suy nghĩ của lãnh đạo các tỉnh đang thay đổi. Để không còn lệ thuộc vào Trung ương theo kiểu đến hẹn lại lên, mà đó là việc lãnh đạo tỉnh phải chủ động tìm cách để cân đối các nguồn thu. Dù trước mắt sẽ là muôn vàn khó khăn, nhưng ý thức được việc phải tự đi bằng đôi chân mình, đó mới chính là tinh thần và trách nhiệm rất đáng trân trọng.
Ở một góc độ nào đó, đây cũng là cách truyền cảm hứng đến với những người có hoàn cảnh khó khăn. Dù trong khó khăn vẫn cần tinh thần tự lực tự cường, cố gắng nỗ lực để vươn lên chứ không phải chỉ biết ngồi chờ chính quyền trợ giúp.
Trở lại với câu chuyện các tỉnh xin hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết Nguyên đán năm 2024; tổng thu ngân sách của Sóc Trăng hơn 4.600 tỉ đồng, Bạc Liêu hơn 4.100 tỉ đồng, Kon Tum 4.200 tỉ đồng, Cà Mau 5.700 tỉ đồng, Bình Định hơn 13.800 tỉ đồng, Bình Phước hơn 10.000 tỉ đồng, Gia Lai hơn 5.500 tỉ đồng, Đắk Lắk hơn 7.700 tỉ đồng; và Nghệ An đạt khoảng 21.000 tỉ đồng.
Nhìn từ Nghệ An, xét trên điều kiện địa lý, Nghệ An hội tụ rất nhiều điều kiện để vươn mình, với sân bay quốc tế, cửa khẩu quốc tế, càng biển đón tàu tải trọng lớn; chưa kể diện tích đất lâm nghiệp lớn, thuận lợi cho phát triển ngành nghề lâm nghiệp... Điều đó cho thấy, tiềm năng, thế mạnh của Nghệ An là rất lớn.
Ở bình diện hành lang pháp lý, Nghệ An cũng hội đủ những điều kiện không thể tốt hơn. Trong chiến lược phát triển, Nghị quyết số 39 - NQ/TW của Bộ Chính trị đã định hướng mục tiêu đến năm 2030, Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo... Thêm vào đó, Nghị quyết 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 cũng đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An…
Nhưng, tình trạng bội chi hằng năm ở Nghệ An vẫn rất cao, vùng đồng bào DTTS&MN chiếm 83% diện tích toàn tỉnh với địa hình chia cắt, dễ sạt lở; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN cao, đến 12,48%...
Lấy ví dụ so sánh là tỉnh Thanh Hóa, có điều kiện tự nhiên, xã hội tương đối tương đồng. Vùng miền núi Thanh Hóa cũng mang tính đặc thù như Nghệ An… Nhưng nhìn vào mức thu của tỉnh này để thấy sự bứt phá đến mức nào. Năm 2024, tổng thu ngân sách là 54.341 tỷ đồng, chi ngân sách 46.947 tỷ đồng và dư hơn 7.000 tỷ đồng. Trong khi Nghệ An, tổng thu ngân sách khoảng 24.000 tỷ đồng và bội chi hơn 44.500 tỷ đồng.
Chừng nào Nghệ An còn phải đề xuất xin hỗ trợ gạo cứu đói từ Trung ương, thì chừng đó, giấc mơ trung tâm vùng Bắc Trung Bộ còn xa vời. Khoan hãy nghĩ đến những điều lớn lao khác, mà tỉnh phải làm sao để thoát khỏi tỉnh nghèo bằng việc không phải đề xuất xin cấp trên như những năm qua.
Đặc biệt, để không phải cứu đói thì phải làm cho người dân không còn đói nghèo. Mà muốn làm được điều đó thì phải có kế sách, có biện pháp. Có thể chậm mà chắc, gắn với lộ trình, phương hướng cụ thể; tạo ra những chương trình mang tính động lực để giúp người dân các vùng khó khăn có việc làm, hướng đến giảm nghèo bền vững. Các cấp ủy, chính quyền tỉnh Nghệ An phải định vị tỉnh mình đang ở đâu trên bản đồ kinh tế của cả nước, để có hướng đi phù hợp, để mà “liệu cơ gắp mắm”.
Không biết dịp Tết Nguyên đán 2025 này, sẽ có thêm những địa phương nào thoát khỏi tình trạng đến hẹn lại lên: xin hỗ trợ gạo cứu đói từ Chính phủ cho hộ nghèo?