Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tính ưu việt trong chính sách dân tộc của Việt Nam: Phát triển con người toàn diện (Bài 3)

Ngọc Chí - 14:30, 01/12/2023

Giai đoạn 2021 – 2025, lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đây là đóng góp quan trọng của lĩnh vực công tác dân tộc, khẳng định tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội (CNXH), với đặc trưng phát triển toàn diện con người ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Hệ thống chính sách dân tộc hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)
Hệ thống chính sách dân tộc hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS. (Ảnh minh họa)

Tất cả vì con người

Trong tài liệu “Hồ Chí Minh Toàn tập” (Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật) ghi lại lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người chỉ rõ: Muốn xây dựng CNXH thì phải có con người XHCN. Để có con người XHCN phải xác định và hiện thực hóa hệ giá trị phản ánh nhu cầu chính đáng của con người trong xã hội XHCN mà Nhân dân ta đang xây dựng.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 2011” (bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991) đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề phát triển con người. Cương lĩnh đã xác định hệ giá trị phản ánh nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của con người Việt Nam hiện nay là: có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.

Soi chiếu đặc trưng này vào lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc để thấy được sự ưu việt của CNXH. Quán triệt nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển” của Đảng, những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành, thực thi một hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ bao trùm nhằm phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Báo cáo của Ủy ban Dân tộc cho thấy, tính đến tháng 10/2020, có 118 chính sách đang còn hiệu lực triển khai thực hiện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong giai đoạn 2011 – 2020, hệ thống chính sách dân tộc được ban hành, triển khai thực hiện theo 3 nhóm: Nhóm chính sách phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH) theo vùng, địa bàn; nhóm chính sách KT – XH theo ngành, lĩnh vực và nhóm chính sách theo dân tộc, trong đó tập trung các dân tộc ít người (có dân số dưới 10.000 người).

Việc phân định các nhóm chính sách nhằm thuận tiện cho quản lý và giám sát trong quá trình triển khai thực hiện. Còn về bản chất thì tất cả các chính sách đều hướng tới mục tiêu phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi; chính sách phát triển theo vùng, theo địa bàn là bao trùm, được cụ thể hóa bằng các chính sách theo từng ngành, từng lĩnh vực.

Với nhóm chính sách theo dân tộc cũng tương tự, đều được cụ thể hóa bằng những chính sách theo ngành, lĩnh vực cụ thể. Tất cả các chính sách đều hướng đến đối tượng thụ hưởng là đồng bào DTTS, đến từng hộ, từng nhân khẩu cụ thể; với mục tiêu cao nhất là phát triển toàn diện con người vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Những nỗ lực đó đã góp phần giúp Việt Nam đạt tăng trưởng liên tục trong việc thực hiện các chỉ số phát triển con người (HDI) của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Báo cáo “Phát triển con người toàn cầu 2021/2022” được UNDP tại Việt Nam công bố tháng 9/2022 cho thấy, HDI của Việt Nam năm 2021 tăng hai bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, từ 117/189 quốc gia vào năm 2019 lên 115/191 quốc gia trong năm 2021. Trước đó, trong giai đoạn 2016 – 2020, HDI của Việt Nam tăng 3,52%; bình quân mỗi năm tăng 0,87%.

Phát huy vai trò chủ thể của đồng bào DTTS trong các hoạt động phát triển KT – XH là một yêu cầu tất yếu. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở xã Linh Phú, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang thu hoạch chè )
Phát huy vai trò chủ thể của đồng bào DTTS trong các hoạt động phát triển KT – XH là một yêu cầu tất yếu. (Trong ảnh: Đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở xã Linh Phú, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang thu hoạch chè )

Phát huy vai trò chủ thể

Theo Báo cáo số 1533/BC-UBDT ngày 11/11/2020 về kết quả rà soát chính sách, pháp luật liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi của Ủy ban Dân tộc, giai đoạn 2021 – 2025, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có 75 chính sách đang còn hiệu lực. Trong đó có 48 chính sách của giai đoạn trước tiếp tục được thực hiện; 27 chính sách được tích hợp vào Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình MTQG 1719).

Chương trình MTQG 1719, với 10 dự án thành phần được tích hợp 27 chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi đang còn hiệu lực, đồng thời có những chính sách mới, phù hợp với thực tiễn công tác dân tộc trong tình hình mới. Việc tích hợp các chính sách trong Chương trình MTQG 1719 không phải thực hiện theo một cách cơ học mà được thiết kế theo hướng triển khai đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách nhất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; với quan điểm đầu tư cho con người, lấy sự phát triển toàn diện của đồng bào DTTS làm thước đo thành công của Chương trình.

Định hướng thực hiện Chương trình MTQG 1719 phù hợp với thực tiễn đầu tư phát triển bền vững của UNDP. Các chuyên gia của UNDP cho rằng, trong phát triển KT - XH, các quốc gia trên thế giới ngày càng nhận rõ, con người không chỉ là nguồn lực, là quy mô, tiềm lực của nền kinh tế, mà còn là mục tiêu, kết quả và là trung tâm của sự phát triển bền vững.

Đây cũng là tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về CNXH. Trong tài liệu “Hồ Chí Minh Toàn tập” (Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật) ghi rõ lời căn dặn của Người: CNXH là do Nhân dân tự xây dựng lấy; muốn xây dựng CNXH thì không có cách nào khác là phải dốc lực lượng của mọi người ra để sản xuất; muốn phát triển sức sản xuất thì trước hết phải nâng cao năng xuất lao động và muốn nâng cao năng suất lao động thì phải tổ chức lao động cho tốt.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế cho phụ nữ. (Trong ảnh: Đại biểu nữ tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng)
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao trong thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế cho phụ nữ. (Trong ảnh: Đại biểu nữ tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng)

Trong Chương trình MTQG 1719, các dự án thành phần được thiết kế theo hướng khơi dậy động lực nội sinh của đồng bào các DTTS, nguồn lực Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ. Vì vậy, các chính sách “cho không” đã được bãi bỏ, thay vào đó là các chính sách hỗ trợ có điều kiện; Nhà nước bảo đảm đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt; hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuối giá trị…. Nhưng chủ thể của các hoạt động của Chương trình MTQG 1719 phải là đồng bào các DTTS.

Việc phát huy vai trò chủ thể của đồng bào DTTS trong các hoạt động phát triển KT – XH là một yêu cầu tất yếu trong xu thế hội nhập sâu rộng như hiện nay, nhất là trong công cuộc bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Trong quá trình giao lưu, hội nhập xảy ra tiếp biến văn hóa, Nhà nước đã có nhiều chính sách để gìn giữ, bảo tồn bản sắc truyền thống của các dân tộc, từ đó củng cố, phát huy giá trị nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. – một đặc trưng ưu việt trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc của Việt Nam.

Theo Báo cáo của Liên Hợp Quốc, Việt Nam là một trong số ít các nước hoàn thành sớm các mục tiêu thiên niên kỷ bao gồm xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực, phổ cập giáo dục tiểu học, tăng cường bình đẳng giới và vị thế cho phụ nữ cũng như những tiêu chuẩn về chăm sóc y tế cộng đồng. Việt Nam cũng đã xây dựng được Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện và ưu tiên phát triển của đất nước. Việt Nam đang trở thành hình mẫu trong việc tiên phong cam kết và thực hiện các mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong bài viết tiếp theo.


Tin cùng chuyên mục
Khánh Hòa: Dành nhiều sự quan tâm chăm lo giáo dục miền núi

Khánh Hòa: Dành nhiều sự quan tâm chăm lo giáo dục miền núi

Những năm qua, tỉnh Khánh Hoà dành nhiều sự quan tâm cho giáo dục miền núi, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ học sinh có điều kiện ăn ở ổn định. Ngoài các chính sách theo quy định của Chính phủ, tỉnh Khánh Hòa thực hiện hỗ trợ chi phí từ khi học mẫu giáo đến tốt nghiệp đại học; hỗ trợ gạo, miễn, giảm học phí…; tặng quà, học bổng từ các tổ chức chính trị xã hội, cá nhân trong và ngoài tỉnh dành cho học sinh, sinh viên DTTS.