Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

TP. Hồ Chí Minh đầu tư phát triển khu vực phía Tây Bắc thành cực tăng trưởng mới

Lê Thuận - 19:56, 12/04/2022

Chiều 12/4, UBND TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022. Theo đó, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế đầu tư vào hai khu vực này sẽ được chào đón ở các lĩnh vực chủ lực như: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, thương mại, dịch vụ và du lịch…

Toàn cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư vào Củ Chi và Hóc Môn. (Ảnh Kiên Cường)
Toàn cảnh hội nghị xúc tiến đầu tư vào Củ Chi và Hóc Môn. (Ảnh Kiên Cường)

Tham dự Hội nghị có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông và Vận tải Nguyễn Văn Thể và nhiều lãnh đạo địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết: “ Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022 được tổ chức với mục tiêu quảng bá hình ảnh địa phương, giới thiệu các dự án, chính sách thu hút đầu tư, khẳng định những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực… nhằm khai phá tiềm năng, phát triển khu vực Tây Bắc TP. Hồ Chí Minh trở thành khu đô thị sinh thái, công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tương lai. Thành phố kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, đề xuất đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi là thực hiện lời hứa của Đại biểu Quốc hội với cử tri, tạo cơ hội cho các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà đầu cùng đồng hành, phục hồi phát triển kinh tế”.

Theo ông Nên, lãnh đạo Thành phố sẽ nỗ lực tối đa, triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đến làm ăn, kinh doanh, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Từ đó, tạo môi trường thông thoáng, thân thiện để tạo chuyển biến mới, cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn.

Về định hướng phát triển huyện Hóc Môn và Củ Chi, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố Nguyễn Thanh Nhã cho biết, quy hoạch chung thành phố hiện hành được phê duyệt tại Quyết định số 24/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP. Hồ Chí Minh đến năm 2025 đã xác định mô hình phát triển theo hướng tập trung - đa cực. Hóc Môn và Củ Chi là hai huyện ngoại thành, có tổng diện tích khoảng 544 ha, chiếm gần trọn phần lãnh thổ phía Bắc - Tây Bắc của Thành phố; là cửa ngõ kết nối Thành phố với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương) của các tỉnh cả miền Tây và Đông Nam bộ.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, tuyến metro số 2 cũng được định hướng kéo dài tiếp từ An Sương kết nối với Khu đô thị Tây Bắc, kết hợp với tuyến đường sắt quốc gia từ Củ Chi đi Tây Ninh. Toàn bộ khu vực này được bao bọc bởi hành lang sông Sài Gòn, thuận lợi phát triển các khu du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và các cụm dân cư mật độ thấp theo hướng nghỉ dưỡng…

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xem quy hoạch Khu đô thị phía Tây Bắc Thành phố. (Ảnh Hoàng Giang)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc xem quy hoạch Khu đô thị phía Tây Bắc Thành phố. (Ảnh Hoàng Giang)

Về phát triển giao thông, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Trần Quang Lâm cho biết, Sở đang lập danh mục dự án ngành Giao thông vận tải dự kiến kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 với các dự án trọng điểm, cấp bách thuộc lĩnh vực giao thông trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Trong đó có các dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi như: Vành đai 4, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường song hành Phan Văn Hớn, mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa và xây dựng cầu Lớn, đường trên cao số 5, cảng cạn Củ Chi…

Định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 phát triển chủ đạo của Thành phố về hướng Bắc - Tây Bắc, với đặc điểm địa chất tốt, địa hình cao, kết nối với Vùng I phía Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài…

Huyện Hóc Môn và Củ Chi gắn với lộ trình chuyển đổi huyện thành quận hoặc Thành phố, trong đó, Khu đô thị Tây Bắc điều chỉnh mô hình phát triển thành khu đô thị hiện đại, thông minh, kết hợp phát triển hài hòa về không gian kiến trúc, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng, tạo môi trường sống chất lượng cao, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Tại Hội nghị, đã trao 10 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn 369,104 triệu USD (tương đương 8.489 tỷ đồng) và 39 Biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư với tổng vốn khoảng 16,572 tỷ USD (tương đương 381.160 tỷ đồng). TP. Hồ Chí Minh tiếp tục mời gọi đầu tư cho hàng chục dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi.