Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Trang phục của người Dao Thanh Y và những câu chuyện xưa

Mỹ Dung - Vi Tuyến - 02:58, 07/03/2024

Cùng với tiếng nói, chữ viết, trang phục truyền thống được xem là vốn quý của mỗi dân tộc. Trải qua thời gian, trang phục dân tộc của người Dao Thanh Y ở huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) vẫn giữ được những nét đẹp biểu trưng gắn với câu chuyện riêng có trong đời sống người Dao.

Độc đáo trang phục truyền thống Dao Thanh Y ở Ba Chẽ
Độc đáo trang phục truyền thống của người Dao Thanh Y ở Ba Chẽ

Ba Chẽ là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh, có đông đồng bào DTTS cùng sinh sống, trong đó hơn 40% dân số là dân tộc Dao với hai nhánh Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán, qua nhiều thế hệ đã tiếp nối làm đậm đà thêm sắc màu văn hóa. Trong đó, người Dao Thanh Y cư trú nhiều nhất ở xã Nam Sơn; thôn Đồng Thầm, thôn Đồng Tiến – xã Thanh Lâm; thôn Làng Han – xã Đồn Đạc.

Ông Hà Xuân Tiến, nghệ nhân dân gian ở thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn cho biết: Theo người xưa truyền lại Ba Chẽ có hai nhóm người Dao như hiện nay, nhưng tiếng nói không giống nhau, để dễ phân biệt, nên đặt tên gọi Thanh Y (dịch là “áo xanh”); với tên gọi Thanh Phán ( dịch là áo nhiều hoa văn).

Trong trang phục của phụ nữ Dao Thanh Y nơi đây, hoa văn được thêu cầu kỳ ở khăn đội đầu, mũ đội đầu. Khăn đội đầu là một khăn vuông thêu chỉ đen trên nền vải trắng, ở giữa thêu một sao tám cánh, 4 phía kẻ ngang thêu chỉ đen thành 3 hàng mỗi bên. Mũ đội đầu với đỉnh mũ dành một đồng bạc trắng tán mỏng thành hoa tám cánh, đục một cái lúm nhú lên...

Áo nữ người Dao Thanh Y được nhuộm bằng vải chàm màu đen, dài gần gót chân, xẻ tà hai bên hông, hai thân trước cắt đi một bên phải ngắn bằng nửa đùi trước, trái một bên để dài bằng vạt áo, sau khi mặc thân áo trước ngắn ở bên trong, thân dài bên ngoài bó sát vào người, không có cúc, chỉ thắt dây lưng qua eo buộc chặt, vén vạt áo dài thân sau cài lên dây lưng sau hông; vạt áo trước (thân dài) cũng vén lên cài vào dây lưng giống hình tam giác với ẩn ý là che đậy gì đó, cho nên người xưa mới nói Thanh Y là “người vén áo”. Hai góc khăn và 2 bên cổ áo đính nhiều chuỗi cườm và các chùm tua bằng len màu hồng nổi bật. Cửa tay áo đáp bằng vải hoa màu đỏ và màu xanh nước biển – đây chính là điểm nhấn độc đáo của bộ trang phục nữ Dao Thanh Y.

Hào hứng trình diễn các điệu nhảy với bộ trang phục truyền thống
Hào hứng trình diễn các điệu nhảy với bộ trang phục truyền thống

Quần của nữ Dao Thanh Y là quần đùi không có hoa văn, chỉ ngắn đến nửa đầu gối được nhuộm bằng vải chàm màu đen, chân quần được may thêm một đường vải màu xanh da trời. Bà Chiếng Tài Múi, thôn Nam Hả Trong, xã Nam Sơn kể về tích này rằng: “Xa xưa, có một bà mẹ bị ốm nặng, cô con gái phải lặn lội vượt núi, băng rừng đến tận bản xa trên núi cao để mua thuốc về, khi sắc xong bát thuốc bưng lên cho mẹ, do quần dài cô bị vấp và đổ hết bát thuốc. Không có thuốc, bà mẹ đã chết. Quá ân hận, cô gái tự tay xé ống quần của mình ngắn đến ngay đùi. Từ đó, người Dao Thanh Y mặc quần ngắn để tỏ lòng hiếu thảo với cha mẹ”.

Đối với bộ trang phục nam: gồm áo, quần và mũ nồi. Áo được thêu hoa văn với màu chủ đạo là màu đỏ với các họa tiết gồm hình mặt trời, con chim, cỏ cây, hoa lá mong ước cho sự sinh sôi và phát triển. Quần màu đen, ống rộng, cạp chun. Trên thực tế, trang phục nam Dao Thanh Y ở Ba Chẽ đơn giản, mộc mạc hơn so với trang phục nữ.

Để gìn giữ bộ trang phục truyền thống, phụ nữ Dao Thanh Y rất chú trọng việc truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ
Để gìn giữ bộ trang phục truyền thống, phụ nữ Dao Thanh Y rất chú trọng việc truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ

Để gìn giữ bộ trang phục truyền thống, phụ nữ Dao Thanh Y rất chú trọng việc truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Đến với các bản làng, có thể thấy phụ nữ Dao Thanh Y luôn tranh thủ lúc nông nhàn để may, thêu trang phục. Để hoàn thiện được bộ trang phục hoàn chỉnh phải từ ba đến bốn tháng mới xong.

Bà Bàn Thị Bích, thôn Lò Vôi, xã Nam Sơn chia sẻ: “Phụ nữ Dao Thanh Y ai cũng phải tự học thêu quần áo cho mình, người truyền dạy do bà hoặc mẹ truyền dạy lại, bộ để mặc hàng ngày, bộ để dùng trong ngày cưới khi đi lấy chồng, nếu con dâu là người không phải dân tộc Dao Thanh Y, thì mẹ chồng cũng phải thêu cho con dâu một bộ để mặc trong lễ cưới”.

Khai giảng một lớp truyền dạy nghề truyền thống thêu thổ cẩm dân tộc Dao Thanh Y tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn
Khai giảng lớp truyền dạy nghề truyền thống thêu thổ cẩm dân tộc Dao Thanh Y tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn

Xác định ý nghĩa của bộ trang phục truyền thống, trong nhiều năm qua, huyện Ba Chẽ luôn chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa thông qua xây dựng các đề án, mở các lớp truyền dạy thêu hoa văn trên trang phục cho thế hệ trẻ; tuyên truyền vận động các em học sinh mặc bộ trang phục Dao Thanh Y vào thứ 2 đầu tuần và các dịp lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao của huyện, để thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống gìn giữ bộ trang phục quý giá mà cha ông ta đã dày công sáng tạo, vun đắp tạo dựng.