Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục - Nhìn từ ứng dụng ChatGPT

PV - 19:20, 13/02/2023

Sự phát triển công nghệ này sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục, từ chương trình giáo dục, cho tới vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và các đại biểu chia sẻ tại Tọa đàm.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và các đại biểu chia sẻ tại Tọa đàm.

Trí tuệ nhân tạo (AI) không chỉ là xu hướng mà đang ảnh hưởng sâu rộng đến các khía cạnh xã hội. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả công việc, học tập, đáp ứng sự phát triển xã hội, phục vụ cuộc sống con người tốt hơn. Sự phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo định hình tương lai giáo dục của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, gần đây là sự ra đời của ChatGPT đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu và đang là chủ đề thảo luận, nghiên cứu tại nhiều quốc gia trên thế giới, Bộ GD&ĐT và ngành giáo dục đã chủ động tìm hiểu và nhận thức rõ cơ hội cũng như thách thức đặt ra của ChatGPT và AI đối với giáo dục, sẽ sớm có những nghiên cứu thấu đáo và hành động phù hợp để giảm thiểu tác động tiêu cực, phát huy hiệu quả tác động tích cực của AI nói chung và ChatGPT nói riêng trong giáo dục.

Chiều 13/2, Bộ GD&ĐT tổ chức Tọa đàm “ChatGPT, Trí tuệ nhân tạo - Lợi ích và thách thức đối với giáo dục” với 2 chủ đề thảo luận: Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục; Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục.

Chủ đề thảo luận “Trí tuệ nhân tạo trong bối cảnh đổi mới giáo dục” có sự tham dự của PGs.Ts. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Gs.Ts. Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn; PGs.Ts. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) và ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh.

Chủ đề thảo luận “Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục” có sự tham dự của PGs.Ts. Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội; Ts. Nguyễn Thành Nam - nhà sáng lập FUNiX; ông Phùng Việt Thắng, Phó Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam và Ts. Lê Thống Nhất, chuyên gia giáo dục.

Tọa đàm nhằm tạo diễn đàn để các nhà quản lý giáo dục, các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, các học giả, các giáo viên thảo luận và chia sẻ quan điểm về ảnh hưởng của AI đến tương lai của giáo dục.

Đồng thời, tăng cường sự hợp tác giữa các chuyên gia, giáo viên và nhà quản lý tìm ra các giải pháp cho những vấn đề về giáo dục và xây dựng kế hoạch tương lai sử dụng và ứng dụng AI.

Bộ GD&ĐT sẽ có những nghiên cứu thấu đáo, để từng bước rà soát và có những điều chỉnh về chính sách trong thời gian tới. Buổi tọa đàm nhận được sự quan tâm lớn. Chắc chắn chủ đề này sẽ còn tiếp tục thảo luận và từng bước giúp chúng ta nhận thức đúng đắn hơn về công nghệ. Từ đó, có những giải pháp định hướng phù hợp trong thời gian tới.

ChatGPT: Lợi ích và thách thức đối với giáo dục? - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn: "Với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn không mất đi nhưng sẽ ngày một thay đổi" - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhìn nhận, những ngày qua, chúng ta đang chứng kiến sự hào hứng trong việc tiếp nhận, khai thác, sử dụng và truyền bá công cụ ChatGPT như một phát kiến rất lớn của con người.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chia sẻ: Công nghệ thông tin trong nhiều thập kỷ qua mang lại cho chúng ta rất nhiều lợi ích. Sự ra đời của những công nghệ giúp cho công việc trở nên thuận tiện, dễ dàng hơn. Đặc biệt, trong ngành giáo dục, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả của giáo dục.

Trong thời kỳ COVID-19, chúng ta chứng kiến sự thay đổi rất lớn trong việc chuyển từ học tập trực tiếp sang học tập trực tuyến, với nhiều công cụ hỗ trợ rất hữu hiệu.

Trước kia, ngành giáo dục, hay là các nhà giáo có một đặc quyền là truyền bá tri thức. Ngày nay, với ứng dụng khoa học công nghệ, vai trò người thầy chắc chắn sẽ không mất đi nhưng ngày một thay đổi.

Trước sự ra đời của nhiều công nghệ, từ radio, tivi, camera đến công nghệ dạy học trực tuyến, nhiều người từng lo lắng vai trò người thầy sẽ mất đi, giáo dục sẽ có những thách thức rất lớn. Nhưng thực tế, tất cả những công nghệ đó giúp ngành giáo dục có những bước tiến lớn.

Với công nghệ trí tuệ nhân tạo nói chung và ChatGPT nói riêng, đứng cả từ phía các chuyên gia công nghệ và người khai thác sử dụng, chuyên gia giáo dục, cần làm sao quản lý, hỗ trợ về mặt chính sách để có thể phát huy những tính năng, lợi thế cũng như hạn chế những mặt trái, tác động tiêu cực của những công nghệ, công cụ này.

“Chắc chắn những công nghệ này sẽ tác động một cách căn bản và toàn diện tới mọi mặt trong ngành giáo dục, từ chương trình giáo dục, cho tới vai trò người thầy, cách tổ chức dạy và học, cách tiếp cận học liệu, cách tiếp cận với tri thức của người học.

Đặc biệt, quan trọng ở đây là vai trò cá nhân hóa, cá thể hóa quá trình học tập của người học và ngày càng hướng tới quá trình dạy và học, hướng tới người học nhiều hơn là người dạy”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh./.

Tin cùng chuyên mục
Thầy giáo người Tày với sáng kiến “gieo chữ” nơi vùng cao Lục Ngạn

Thầy giáo người Tày với sáng kiến “gieo chữ” nơi vùng cao Lục Ngạn

Là người con dân tộc Tày, đến nay thầy giáo Vi Văn Hà đã có 16 năm cống hiến cho giáo dục vùng cao, vùng đồng bào DTTS huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Thầy Hà chia sẻ, nhìn những học trò nghèo vượt khó bám trường, bám lớp, mình càng cảm thấy cần phải trách nhiệm học hỏi, trau rồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để truyền dạy, lan tỏa sự ham học cho những em nhỏ nơi đây...