Dấu son của Chương trình MTQG 1719
Từ khi bắt tay vào thực hiện các dự án thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn các huyện khu vực biên giới (KVBG) biển của tỉnh Sóc Trăng như Vĩnh Châu, Trần Đề, Cù Lao Dung, đã không còn tình trạng người dân xứ biển tất bật với những luống hành tím, sản lượng bị phụ thuộc thời tiết, đến khi thu hoạch luôn gặp điệp khúc được mùa rớt giá; cũng không còn tình cảnh phụ nữ phải chạy gạo qua ngày chờ chồng kết thúc chuyến biển mới có tôm cá bán.
Các dự án của Chương trình triển khai phát huy hiệu quả, đã góp phần tạo diện mạo mới cho các phum ấp vùng đồng bào. Có dịp trở lại vùng biên giới biển hôm nay, sẽ được đi trên những con đường nhựa và bê tông thẳng tắp nối liền các bản làng, những ngôi nhà mới khang trang mọc lên san sát, sẽ bắt gặp những khuôn mặt rạng rỡ của người nông dân khi sản phẩm thu hoạch đã bán được giá...; tất cả nhờ vào sự hỗ trợ kịp thời từ các cơ chế, chính sách đặc thù của Đảng và Nhà nước, trong đó Chương trình MTQG 1719 đã tạo dấu ấn rõ nét trong cuộc sống của đồng bào DTTS nơi đây.
Sau 4 năm triển khai, Chương trình MTQG 1719 không chỉ mang lại sự phát triển toàn diện mà còn củng cố niềm tin và sự đồng thuận sâu rộng trong Nhân dân. Qua đó, đã có hàng ngàn hộ đồng bào các DTTS ở KVBG biển, được hỗ trợ đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt và chuyển đổi nghề...
Chị Danh Thị Sa Ri, dân tộc Khmer ở ấp Prây Chóp B, xã Lai Hòa ( thị xã Vĩnh Châu), xúc động chia sẻ, sự quan tâm của chính quyền địa phương đã giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn. Không chỉ tạo cho cơ hội chuyền đổi nghề có thu nhập ổn định, mà còn được hỗ trợ gạo, thực phẩm và nhu yếu phẩm. "Bây giờ trong ấp của tôi đường giao thông tốt lắm, nhà nào cũng có điện, nước sinh hoạt... luôn được chính quyền tuyên truyền, hướng dẫn các kiến thức quan trọng để cùng nhau xây dựng phum sóc sạch đẹp văn minh...Chúng tôi bây giờ đây đã khấm khá hơn trước rất nhiều, con nhà ai cũng được đi học", chị Sa Ri nói.
Cũng tại xã Lai Hòa, ông Phan Văn Nguôn là hộ cận nghèo, bên ngôi nhà khang trang mới xây, ông nói chuyện trong xúc động: "Căn nhà này được hỗ trợ từ nguồn vốn của BĐBP, trị giá 50 triệu đồng. Trước đây, thấy vợ con phải " nắng che, mưa đậy" nhưng tôi không dám mơ có được căn nhà khang trang như thế này. Bây giờ, gia đình chúng tôi tập trunng làm ăn để có thu nhập ổn định. Căn nhà này, đã thể sự quan của các cấp đối với người dân bấm trụ vùng biên giới. Vì thế, chúng tôi tiếp tục theo Đảng, theo Bác Hồ, chung tay cùng Bộ đội gìn giữ biên cương.
Ông Trần Trí Vân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, riêng năm 2024, huyện được bố trí tổng nguồn vốn 52.646,887 triệu đồng. Trên cơ sở đó, thị xã đã rà soát và đưa vào kế hoạch thực hiện hỗ trợ nhà ở cho 334 hộ đồng bào DTTS khó khăn về nhà ở, với số tiền 14.696 triệu đồng.
Tính đến đến 30/9/2024, huyện đã triển khai thực hiện các dự án, với nguồn vốn giải ngận đạt 77,84%, trong đó tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng vùng đồng bào DTTS, hỗ trợ nhà ở, đào tạo nghề, giáo dục, y tế.
“Trong thời gian tới, địa phương sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là những chính sách có tác động trực tiếp đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu qủa các dự án, tiểu dự án của Chương trình MTQG 1719”, ông Vân nhấn mạnh.
Chương trình MTQG 1719 không chỉ sớm phát huy hiệu qủa ở thị xã Vĩnh Châu mà còn cả KVBG biển. Ông Nguyễn Trọng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết: Trần Đề là huyện có gần 50% đồng bào DTTS, triển khai thực hiện Dự án1 (giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) và dự án 4 (đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực dân tộc), đã tạo được “cú hích” cho KVBG biển, đáp ứng cơ bản nhu cầu cấp thiết của đồng bào, góp phần thay từ đời sống vật chất đến tinh thần, giúp đồng bào có cơ hội tìm được việc làm ổn định, thu nhập cao hơn... chung tay cùng chính quyền địa phương giữ vững và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo vệ vùng biên giới biển hoà bình, phát triển ổn định.
“Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”
Trong khuôn khổ Tiểu dự án 3, Dự án 3 Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Sóc Trăng đã triển khai chương trình “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường” của giai đoạn 2021-2025. Tổng kinh phí thực hiện dự án đạt 129,8 triệu đồng, trong đó năm 2022 là 48,4 triệu đồng và năm 2023 là 81,4 triệu đồng.
Chương trình đã hỗ trợ cho 11 học sinh DTTS có hoàn cảnh khó khăn với các hình thức cụ thể: Đồ dùng học tập, sách giáo khoa; nhu cầu thiết yếu; phương tiện đến trường; hỗ trợ tiền ăn: 5.400.000 đồng/em/năm học (600.000 đồng/tháng trong 9 tháng học).
Ông Đào Danh Đô, là cha của em Đào Sầm Nạng đang thụ hưởng chương trình “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”. Ông Đô tâm sự, trong lúc gia đình không còn khả năng cho Nạng đi học, thì các chú bộ đội xuất hiện nhận con tôi làm con nuôi và lo cho nó tiếp tục đi học.
“Lúc đầu tôi chỉ nghỉ là bộ đội thương dân thấy tôi khó khăn rồi giúp đỡ tạm... đến khi nhận được hồ sơ công nhận Nạng được thụ hưởng từ chương trình lớn của Trung ương, cả gia đình tôi vui mừng, luôn nhắc nhỡ cháu cố gắng lo học để sau này có cơ hội đền ơn cho các chú, và là người có ích cho xã hội", ông Đô chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Trìu Mến, Chính uỷ BĐBP tỉnh Sóc Trăng cho biết: Bên cạnh, những chế độ được thụ hưởng theo quy định, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh Sóc Trăng còn vận động các cấp chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và mạnh thường quân cùng tham gia chăm lo cho các cháu học sinh KVBG bằng những hoạt động cụ thể như: tặng xe đạp, quần áo, dụng cụ học tập... Qua đó, không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu mà còn tạo động lực giúp các em vươn lên trong học tập, trở thành những người có ích cho quê hương.