Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Triển khai chương trình sách giáo khoa mới ở Thanh Hóa: Các trường tiểu học miền núi gặp khó khăn

Quỳnh Trâm - 15:04, 21/10/2020

Trước thềm năm học mới 2020 - 2021, tháng 8/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt kế hoạch mua đồ dùng dạy học lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới. Theo đó, 512 trường tiểu học và trường liên cấp tiểu học - THCS của tỉnh được cấp kinh phí gần 93 tỷ đồng.

Thiếu đồ dùng học tập cho trẻ lớp 1 diễn ra phổ biến ở miền núi Thanh Hóa. (Trong ảnh: Một giờ học của HS lớp 1-Trường Tiểu học Trung Thượng, huyện Quan Sơn.)
Thiếu đồ dùng học tập cho trẻ lớp 1 diễn ra phổ biến ở miền núi Thanh Hóa. (Trong ảnh: Một giờ học của HS lớp 1-Trường Tiểu học Trung Thượng, huyện Quan Sơn.)

Trước đó, ngay từ tháng 12/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã duyệt gần 34 tỷ đồng để mua đồ dùng dạy học lớp 1 cho các trường tiểu học vùng ĐBKK. 

Tuy nhiên, với những nguồn kinh phí đầu tư trên không đáp ứng được số lượng trường lớp và số lượng học sinh (HS), do đó nhiều trường học ở miền núi vẫn thiếu đồ dùng dạy học. 

Tại huyện Quan Sơn, tình trạng thiếu đồ dùng học tập cho trẻ lớp 1 diễn ra phổ biến, đặc biệt tại các trường điểm lẻ. Điển hình như Trường Tiểu học Trung Thượng, cô giáo Đỗ Thị Lợi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường có 229 HS, trong đó có 41 HS lớp 1 học tại 3 điểm trường: Khu chính bản Ngàm, khu Bàng và khu bản Khạn. Vào năm học mới, khối lớp 1 của nhà trường được cấp 30 bộ đồ dùng dạy học, nhưng lại có tới 41 HS nên không đủ cho nhu cầu dạy học, nhiều em phải học chung. Đối với các thiết bị dùng chung, nhà trường được cấp 1 máy chiếu, 1 máy tính và 1 ti vi.

“Mỗi khi các lớp có nhu cầu sử dụng, giáo viên phải di chuyển máy móc đến lắp đặt, rất mất thời gian. Bên cạnh đó, sóng điện thoại, Internet ở đây chập chờn, mỗi khi cần vào mạng để tìm tài liệu hoặc phát lên máy chiếu cho học sinh xem rất khó khăn”, cô Lợi cho biết.

Cơ sở vật chất cũng thiếu thốn, hiện nhà trường chưa có nhà hiệu bộ, phòng chức năng, thiếu 6 phòng học. Các em HS của một lớp 1 phải học tại nhà kho được cải tạo.

Tương tự, Trường Tiểu học Trung Tiến (huyện Quan Sơn) có 4 lớp 1 với tổng số 55 HS học tại các điểm: Bản Poọng, bản Chè, bản Lốc và khu trung tâm. Song, hiện nhà trường cũng chỉ có 1 máy chiếu, 1 máy vi tính và 1 ti vi nên ưu tiên cho điểm trường ở trung tâm. Các thầy cô ở các điểm lẻ phải dùng điện thoại để truy cập, nghiên cứu tài liệu. Còn HS ở các khu lẻ thì chỉ hình dung qua mô tả của thầy cô.

Theo chương trình học mới, các thiết bị, đồ dùng dạy học lớp 1 bao gồm: Thẻ chữ số từ 0 đến 9, thẻ dấu so sánh, thẻ dấu phép tính, bộ thẻ chữ học vần thực hành, bộ mẫu chữ viết quy định trong trường tiểu học. Bộ sa bàn giáo dục giao thông, tủ đựng thiết bị, bảng phụ, máy chiếu, ti vi, máy tính, bộ tranh ảnh phục vụ môn tập viết, dạy chữ viết, bộ đồ dùng dạy môn mỹ thuật, âm nhạc…

Tại huyện Mường Lát, theo ông Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện, năm học 2020 - 2021, các trường tiểu học của huyện thuộc khu vực ĐBKK đã được tỉnh cấp 18 bộ đồ dùng, thiết bị dạy học, tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế lớp 1 (bao gồm cả lớp học đơn và lớp học ghép), để đáp ứng yêu cầu đổi mới sách giáo khoa, giáo viên lên lớp phải có đồ dùng, thiết bị dạy học; ước tính cần bổ sung 50 bộ thiết bị, đồ dùng dạy học lớp 1, với tổng kinh phí dự kiến gần 7,5 tỷ đồng.

Tình trạng thiếu thiết bị dạy và học cũng xảy ra tại huyện Lang Chánh, ông Lê Minh Thư, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện chia sẻ: “Đối với miền núi, vùng ĐBKK, việc điều tiết bộ đồ dùng dạy học rất khó, vì có trường quy mô 8 lớp, nhưng có 2 hoặc 3 điểm lẻ ở các bản vùng sâu, vùng xa. Việc thường xuyên vận chuyển thiết bị, đồ dùng dạy học cồng kềnh từ điểm trường chính vào các điểm lẻ cách nhau trên dưới 10km đường rừng núi là khó khả thi”. 

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng nỗ lực “nâng chuẩn” các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào DTTS

Sóc Trăng nỗ lực “nâng chuẩn” các cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào DTTS

Thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp vùng DTTS và thực hiện tốt chính sách dành cho học sinh DTTS. Đặc biệt, những năm gần đây, từ nguồn lực từ Tiểu dự án 3 – Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), địa phương đã ưu tiên đầu tư và hiện đại hóa cơ sở vật chất.
Đọc nhiều