Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất

Hoàng Quý - 07:08, 09/11/2024

Sáng 8/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hóa chất.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên

Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày báo cáo của Chính phủ về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi).

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết việc sửa đổi Luật Hóa chất là cần thiết nhằm kịp thời thể chế hóa các đường lối, chủ trương mới của Đảng trong lĩnh vực hóa chất và khắc phục một số vướng mắc, bất cập của Luật hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Theo đó, Dự thảo Luật gồm 9 chương, 89 điều (giảm 1 chương và tăng 18 điều so với Luật Hóa chất hiện hành). Việc tăng các điều, khoản trong dự thảo Luật chủ yếu và thực chất là các quy định mới về phát triển công nghiệp hóa chất, quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm và phân định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành về quản lý hóa chất.

Dự thảo Luật bám sát 4 chính sách lớn được Chính phủ thống nhất trình Quốc hội thông qua, bao gồm: (i) Phát triển bền vững ngành công nghiệp hóa chất thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại; (ii) Quản lý hóa chất đồng bộ trong toàn bộ vòng đời; (iii) Quản lý hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm; (iv) Nâng cao hiệu quả đảm bảo an toàn hóa chất.

Sau kỳ họp này, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng trong lĩnh vực hóa chất; đồng thời rà soát, xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập (nếu có) với các luật khác để bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật, phù hợp với bối cảnh trong nước, quốc tế hiện nay và tương thích với các điều ước quốc tế và các công ước về hóa chất mà Việt Nam tham gia, nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa chất phát triển hiệu quả, bền vững.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy khẳng định, Ủy ban cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Hóa chất (sửa đổi). Hồ sơ dự án Luật đã đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 này. Ủy ban đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

Về chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất (Điều 6): Có ý kiến đề nghị bổ sung khoản 1 để thể chế hóa Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị và bảo đảm tính tổng thể của chính sách từ phạm vi cả nước đến các vùng kinh tế và từng địa phương. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về đầu tư phát triển, đào tạo, tuyển dụng nguồn nhân lực chuyên môn cao; khuyến khích đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các loại hóa chất ít độc hại cho môi trường và sức khỏe con người, hướng tới tăng trưởng xanh và kinh tế tuần hoàn; thúc đẩy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.

Về Chiến lược phát triển công nghiệp hóa chất (Điều 9) và trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất (Điều 10): Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị làm rõ tính tương đồng giữa quy hoạch tỉnh và quy hoạch không gian của các địa phương, vùng lãnh thổ; nội dung định hướng của chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất; mối quan hệ giữa chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất với hệ thống quy hoạch quốc gia; nội dung phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị rà soát bảo đảm sự đồng bộ về thời kỳ giữa Chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất với hệ thống quy hoạch…

Bên cạnh các nội dung trên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị rà soát các thủ tục hành chính (quy định tại các Điều 24, 25, 31, 32, 34 và 38...) để cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết. Đề nghị bổ sung quy định về một số nội dung chuyển tiếp để phù hợp với Luật Đầu tư, rà soát tránh bỏ sót các trường hợp cần chuyển tiếp.