Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Trong 24 giờ qua, châu Á có nhiều ca mắc mới COVID-19 nhất trên thế giới

PV - 10:13, 21/05/2021

Tính đến sáng 21/5, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là 165.835.297 trường hợp, với 3.444.303 ca tử vong (tương đương với 2% tổng số ca mắc). Trong 24 giờ qua, châu Á là khu vực ghi nhận nhiều số ca mắc COVID-19 nhất trên thế giới, với 348.870 trường hợp.


Đeo khẩu trang vẫn là một trong những biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa COVID-19. (Ảnh: UNICEF Viet Nam/Hoang Hiep)
Đeo khẩu trang vẫn là một trong những biện pháp hiệu quả giúp phòng ngừa COVID-19. (Ảnh: UNICEF Viet Nam/Hoang Hiep)

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục lây lan chưa có điểm dừng trên phạm vi toàn thế giới, nhiều nước đang kêu gọi từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine để thúc đẩy việc sản xuất và phân phối vaccine. Tuy nhiên, ngày 20/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 sẽ không đủ để giúp thu hẹp chênh lệch "khổng lồ" trong việc phân phối vaccine giữa các nước giàu và nghèo.

Phát biểu trước Nghị viện châu Âu (EP), bà Okonjo-Iweala nhấn mạnh rõ ràng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19 là không đủ và cần phải có cách tiếp cận toàn diện mới có thể giải quyết vấn đề mất cân bằng "không thể chấp nhận được" trong việc tiếp cận các vaccine ngừa COVID-19. Bà lưu ý vấn đề này sẽ không thể kéo dài trong nhiều năm.

Còn về diễn biến dịch bệnh trên thế giới, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 21/5 cho thấy, hiện toàn thế giới có 146.151.004 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 15.875.990 ca bệnh đang điều trị thì có 15.776.758 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 99.232 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.

Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 46.023.290 trường hợp, trong đó có 1.056.940 ca tử vong và 42.373.881 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận 80.048 ca nhiễm.

Tốc độ tiêm chủng được đẩy nhanh đã khiến tình hình dịch bệnh tại nhiều nước tại châu Âu có nhiều cải thiện và cuộc sống bắt đầu trở lại bình thường do các lệnh hạn chế được nới lỏng. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đưa ra khuyến cáo thận trọng trước nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại.

Hiện Bắc Mỹ có 39.381.544 ca nhiễm bệnh, trong đó có 882.352 ca tử vong vì COVID-19. Cho dù tình hình dịch bệnh đang dần được cải thiện song cho tới nay, Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 33.833.181 ca nhiễm và 602.616 ca tử vong vì COVID-19.

Tính đến sáng 21/5, Nam Mỹ có 27.341.721 ca nhiễm COVID-19, với 744.212 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Argentina, Colombia, Peru… với lần lượt: 15.898.558; 3.447.044; 3.177.212; 1.910.360… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.

Hiện tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 48.249.000 trường hợp, với 631.579 ca tử vong và 43.099.553 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 4.517.868 ca bệnh đang điều trị thì có 32.266 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Ấn Độ tiếp tục là nước “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm, với 26.030.674 ca, trong đó có 291.365 ca tử vong.

Tính đến sáng 21/5, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.771.825 trường hợp, trong đó có 127.962 ca tử vong và 4.297.322 ca bình phục. Trong tổng số 346.541 ca đang điều trị thì có 2.874 ca trong tình trạng nguy kịch.

Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.625.003 ca nhiễm COVID-19 và 55.568 ca tử vong vì dịch bệnh.

Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 591 ca nhiễm COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm thống kê được tại khu vực này lên 67.196 trường hợp, với 1.243 ca tử vong. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 29.994 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 18.841 ca./.