Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Trồng cây gỗ lớn: “Cái khó bó cái khôn”

PV - 10:33, 21/08/2018

Lợi ích của trồng rừng gỗ lớn không chỉ là giá trị kinh tế cao mà còn góp phần quan trọng bảo vệ môi trường. Dù nhà nước đã có chủ trương khuyến khích người dân phát triển trồng rừng gỗ lớn nhưng hiện nay vẫn là bài toán khó.

Hầu hết diện tích rừng trồng đều được người dân khai thác sớm, khó phát triển thành rừng gỗ lớn. (Ảnh minh họa) Hầu hết diện tích rừng trồng đều được người dân khai thác sớm, khó phát triển thành rừng gỗ lớn. (Ảnh minh họa)

Lợi ích nhiều vẫn khó thực hiện

Theo các chuyên gia nông lâm nghiệp, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều so với rừng gỗ nhỏ. Trên cùng một diện tích thì giá trị rừng gỗ lớn cao gấp 3-4 lần rừng gỗ nhỏ.

Theo ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng trồng gỗ lớn cao hơn rất nhiều lần, tuỳ theo tuổi khai thác và đường kính cây. Đối với loại cây trồng phổ biến là cây mọc nhanh như: keo lai, bạch đàn lai và mỡ đến năm thứ 5 vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ nên chỉ có thể bán làm dăm gỗ, gỗ mỏ, giá trị đạt trung bình khoảng 40 triệu đồng/ha.

Thế nhưng khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây rừng từ 12-14 năm trồng mới tiến hành khai thác thì hầu hết các cây đã đạt đường kính trên 25cm. Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ chế biến (gỗ xẻ) với giá trị 1,8-2 triệu đồng/m3 (đường kính trên 30cm khoảng 3 triệu đồng/m3), tức là khoảng 120-160 triệu đồng/ha.

Lợi ích của trồng rừng gỗ lớn không chỉ là giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần quan trọng để tăng khả năng giữ nước, giảm xói mòn, rửa trôi đất, rừng có khả năng sinh thủy đảm bảo mực nước an toàn cho các hồ, đập và góp phần bảo vệ môi trường. Tuy vậy, diện tích rừng gỗ lớn của nước ta chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng diện tích rừng trồng hiện nay.

Theo số liệu của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cả nước hiện có hơn 4,1triệu ha rừng trồng, nhưng diện tích rừng gỗ lớn chỉ có khoảng 166 nghìn ha (trong đó hơn 140 nghìn ha rừng cung cấp gỗ lớn, khoảng 26 nghìn ha chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn). Nguyên nhân hạn chế phát triển rừng gỗ lớn là rừng có chu kỳ kinh doanh dài nên dễ gặp rủi ro như cháy rừng, thiên tai. Hơn nữa, đa số người dân miền núi còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp không đủ nguồn tài chính để theo chu kỳ kinh doanh gỗ lớn.

Chính sách chưa tạo động lực

Để phát triển trồng rừng gỗ lớn, nhiều năm qua, Nhà nước đã ban hành một số chính sách hỗ trợ cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, theo đánh giá, cơ chế, chính sách hiện hành chưa tạo động lực để phát triển rừng gỗ lớn; đáng chú ý là mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn quá thấp nên người dân không mặn mà.

Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015 được xem là chính sách đầu tiên khuyến khích người dân trồng rừng sản xuất gỗ lớn. Theo Quyết định này, mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha cho trồng rừng gỗ lớn và 2 triệu đồng/ha cho trồng rừng gỗ nhỏ là quá thấp, thủ tục phức tạp nên không hấp dẫn các hộ gia đình.

Năm 2011, Chính phủ ban hành Quyết định số 66/2011/QĐ-TTg về sửa đổi, bổ sung Quyết định 147/2007/QĐTTg theo hướng nâng mức hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn lên 4,5 triệu đồng/ha. Riêng với các hộ gia đình thuộc 63 huyện nghèo, mức hỗ trợ được nâng từ 5 triệu đến 10 triệu đồng/ha (theo Quyết định số 2621/QĐ-TTg ngày 31/12/2012). Tuy nhiên, những định mức này cũng chưa thực sự khuyến khích người dân trồng rừng gỗ lớn. T

heo đơn giá trồng rừng hiện nay (ở khu vực khó khăn trung bình), các hộ phải bỏ ra tổng chi phí 25-30 triệu đồng/ha/7 năm (đối với cây chu kỳ kinh doanh ngắn), bao gồm: chi phí chuẩn bị hiện trường trồng rừng, giống, phân bón, nhân công, tiền chăm sóc cho 3 năm đầu, tiền bảo vệ rừng cho các năm tiếp theo đến khi khai thác. Đối với khu vực khó khăn như vùng DTTS và miền núi, chi phí trồng rừng còn cao hơn rất nhiều.

Do đó, phần kinh phí còn thiếu để trồng rừng, các hộ gia đình phải đi vay để bù vào (được vay tối đa tới 50 triệu đồng để sản xuất lâm nghiệp). Mặc dù được vay ưu đãi, song khoản lãi suất vay hằng tháng vẫn là gánh nặng cho các hộ nghèo, đặc biệt đối với các hộ trồng rừng có chu kỳ kinh doanh dài với nhiều rủi ro.

Thử làm phép tính, với 4,5 triệu đồng để hỗ trợ, hộ gia đình trồng rừng phải vay thêm tối thiểu 20 triệu đồng nữa để trồng, chăm sóc 1 ha rừng trong 3 năm đầu tiên. Dù lãi suất có ưu đãi thế nào thì ít nhất 7 năm sau, rừng mới có thể cho thu hoạch; đồng nghĩa chừng ấy năm, gia đình đó phải vừa lo chi phí sinh hoạt, vừa lo trả lãi ngân hàng. Chính bởi vậy, khi rừng đã có thể cho thu hoạch, họ không thể chờ thêm để thành rừng gỗ lớn, chấp nhận bán gỗ nguyên liệu để trang trải.

Những khó khăn nêu trên đang là rào cản để phát triển rừng gỗ lớn ở nước ta. Trong khi đó, theo Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, đến năm 2020, diện tích vùng trồng rừng gỗ lớn trên cả nước dự kiến đạt khoảng 1,2 triệu ha. Để đạt được mục tiêu này, việc hỗ trợ vốn vay cho người trồng rừng, cũng như đưa giống mới, có năng suất cao vào trồng rừng, áp dụng khoa học kỹ thuật từ khâu làm đất, xác định mật độ trồng, bón phân, chăm sóc rừng để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả rừng trồng cho người dân cần được tiến hành đồng bộ.

KHÁNH THƯ

Tin cùng chuyên mục