Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Trong nỗi đau thiên tai càng sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào...

Thanh Hải - 15:50, 09/09/2024

Sau bão Yagi, mưa lớn kéo dài đã gây nên thảm họa thiên tai chưa từng có ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Hàng vạn nhà dân bị cô lập, nước dâng tận mái; cầu trôi, núi lở; rồi hàng trăm ngàn ha lúa và hoa màu chìm trong biển nước. Đau đớn hơn, thiên tai đợt này cũng đã cướp đi hàng chục sinh mạng... Nhưng, thiệt hại ấy có lẽ chưa dừng lại.

Thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn ngập trong biển nước
Thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn ngập trong biển nước

Bão Yagi đã qua, nhưng mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài nên đến giờ phút này, hàng vạn người dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn đang chấp chới giữa màn nước bạc vì bị cô lập do nước dâng cao tận mái nhà. Người dân đã ăn gì, uống gì; cầm cự bằng cách gì suốt những giờ qua và ngày mai, ngày sau ra sao? Những Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên… tắc cứng từng đoạn đường, ngõ phố, thôn xóm; mênh mang những dòng sông lũ cuồn cuộn đổ về.

Nghe bản tin thời sự tối mà lòng như xát muối: nước sông Lô, sông Thao, sông Hồng, sông Kỳ Cùng, sông Cầu… và nhiều sông suối khu vực phía Bắc vẫn đang tiếp tục lên. Những phận người kém may mắn ở vùng bị cô lập, ở vùng mà ngành chức năng chưa thể tiếp cận để cứu hộ, cứu đói, sẽ ra sao trong đêm mưa lạnh giá này?

Còn sáng nay, bao nỗi đau đớn liên tiếp ập xuống những dải đất khốn khó của đồng bào vùng miền núi phía Bắc. Vụ sạt lở núi ở tỉnh Cao Bằng vùi lấp một xe khách chở nhiều người… Rồi khoảnh khắc cây cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ đổ oạp xuống dòng nước cuộn chảy khiến bao người thảng thốt, rùng mình…

Cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ đổ oạp xuống dòng nước cuộn chảy khiến bao người thảng thốt, rùng mình…
Cầu Phong Châu ở tỉnh Phú Thọ đổ ập xuống dòng nước cuộn chảy khiến bao người thảng thốt, rùng mình…

Những thống kê sơ bộ, những báo cáo nhanh từ các vùng bị nạn, từ các tỉnh thành bị thiệt hại liên tiếp gửi về. Và con số mất mát cứ thế nối dài thêm, khiến lòng càng thêm nhói buốt.

Trước thảm họa thiên nhiên, phận người sao mà mong manh quá đỗi. Cho tới tận hôm nay, nhìn từ thảm họa thiên nhiên ở các tỉnh miền núi phía Bắc, thì cảm giác bất lực trước thiên tai như thêm một lần nhấn mạnh để khẳng định chắc chắn cho điều ấy.

Trong ngổn ngang đổ nát vì mưa bão, ngập ngụa bùn nước và lũ lụt… ngành chức năng các cấp đã triển khai hàng loạt các biện pháp tìm kiếm cứu nạn và cứu hộ. Và biết bao tấm gương lăn xả, quên mình trong cơn lũ dữ, trong cuồng phong của bão… vì người khác, đã viết tiếp bản trường ca về tình dân tộc, nghĩa đồng bào trong cơn hoạn nạn.

Đồng bào vùng lũ, vùng thiên tai ở các tỉnh phía Bắc đang rất cần sự sẻ chia, động viên cả về vật chất, lẫn tinh thần của người dân cả nước trong lúc này. Những lời hỏi thăm, những gói mì, cân gạo, chai nước suối… hỗ trợ sẽ giúp đỡ người dân vùng lũ phía Bắc vượt qua những đói khát trước mắt và gieo lên niềm tin, nghị lực sống cho những con người kém may mắn bởi thiên tai và bão tố.

Khu vực sạt lở đất ở tỉnh Cao Bằng vui lấp xe khách
Khu vực sạt lở đất ở tỉnh Cao Bằng vui lấp xe khách

Nước sạch, lương khô, áo quần, chăn màn và cả thuốc men… có lẽ là những thứ cần nhất cho người dân vùng lũ phía Bắc ngay trong những ngày này. Nhà ngập, của nả trôi sông, đổ biển… thì đó chính là những cứu cánh sát sườn nhất, gấp gáp nhất. Để làm sao, không có bất cứ người dân nào phải chịu đói, nhịn khát.

Thứ hai, phương tiện di chuyển và cũng là vật dụng dùng cứu hộ, cứu nạn, chính là thuyền, xuồng, bè. Bà con rất cần, và lực lượng chức năng các tỉnh ngập lụt ở phía Bắc cũng đang rất cần.

Lũ rút, phải mất rất nhiều ngày sau đó, bà con mới có thể ổn định lại cuộc sống. Khi ấy, sự hỗ trợ về vật dụng gia đình như xong nồi, bát đĩa; cây, con giống mới cần được tính đến… Rồi việc hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, làm sạch môi trường, tiêu độc khử trùng... cũng phải được chú ý.

Nhưng hôm nay, công tác cứu hộ, cứu nạn ở các tỉnh ngập lụt vùng núi phía Bắc phải được đặt lên hàng đầu, được ưu tiên hàng đầu; đặc biệt là đồng bào các DTTS ở các bản làng vùng sâu, vùng xa, vốn thường ngày đã bị biệt lập vì cách sông, cách núi.

Thành phố Yên Bái ngập sâu
Thành phố Yên Bái ngập sâu

“Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; “thương người như thể thương thân”… những đạo lý ngàn đời ấy vẫn luôn tỏa sáng mỗi khi đất nước có thiên tai, dịch giã. Và, chúng ta sẽ lại thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào rực cháy bằng những hành động, việc làm cụ thể; dù là rất nhỏ nhoi, để cố giúp người dân bị nạn vợi bớt đớn đau, khốn khó.

Sau những mất mát đau thương của hậu bão Yagi, công tác ứng phó với thiên tai, bão lũ… cũng cần phải được xốc lại. Đâu là trách nhiệm của các cấp chính quyền, đâu là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi người dân, thì cũng cần phải được bàn thảo. Đâu là sự thiếu chủ động, bất ngờ trong phòng chống thiên tai của các cấp chính quyền, cũng phải được mổ xẻ để kiểm điểm, rút kinh nghiệm.

Lũ lụt ở các tỉnh phía Bắc sẽ còn diễn biến phức tạp trong nhiều ngày tới. Khi mà mưa, vẫn được dự báo là từ to đến rất to. Còn các hồ chứa thủy điện cũng đã phát thông báo đồng loạt xả lũ, tạo nên “cộng hưởng kép”: nước từ trên trời xuống, nước từ thượng nguồn đổ về… Vì thế, những thiệt hại về người và tài sản chắc chắn sẽ còn tiếp diễn.

Thật đáng mừng là thiên tai khủng khiếp đến cỡ nào, thì cũng chỉ cướp đi của chúng ta những tài sản và của nả đã tích cóp được. Còn tình dân tộc, nghĩa đồng bào thì càng trong hoạn nạn lại càng được thắp sáng lên...

Tin cùng chuyên mục
Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau bão lũ

Nhanh chóng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau bão lũ

Để khắc phục hậu quả cơn bão số 3, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần tập trung rà soát các cơ chế, chính sách để hỗ trợ kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên theo quy định của Nghị định 02/2017 về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh thì mức hỗ trợ rất thấp, vì vậy cần đẩy nhanh thời gian và tăng mức hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp tái thiết sản xuất, ổn định đời sống và tăng trưởng kinh tế.