Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Trồng rau sạch từ vỏ cà phê

PV - 10:24, 02/05/2019

Nhằm giáo dục cho học sinh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời biết tự mình làm ra thực phẩm sạch phục vụ bản thân và gia đình, hơn 2 năm nay, Trường THCS Hướng Phùng (Quảng Trị) đã xây dựng mô hình rau sạch trồng từ vỏ cà phê. Với mô hình này, học sinh không chỉ có rau sạch để chế biến món ăn mà còn bán cho người dân địa phương để gây quỹ khuyến học trong nhà trường.

Học sinh Trường THCS Hướng Phùng đang trồng rau sạch từ vỏ cà phê. Học sinh Trường THCS Hướng Phùng đang trồng rau sạch từ vỏ cà phê.

Hướng Phùng là vựa cà phê lớn của huyện Hướng Hóa. Trong quá trình chế biến và xay xát cà phê, mỗi năm hàng trăm tấn vỏ cà phê được thải ra môi trường. Nhiều cơ sở sản xuất, hộ gia đình không biết tận dụng vỏ cà phê làm gì nên đem đổ bừa bãi ngoài vườn, đồi, thậm chí là dọc đường nội thôn, gây ô nhiễm môi trường.

Trước vấn đề bức xúc về rác thải vỏ cà phê ở địa phương, Trường THCS Hướng Phùng đã dành nhiều thời gian nghiên cứu đề tài trồng rau sạch trên giá thể cà phê. Với đề tài này, năm 2015, Trường đạt giải Nhất tại cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” cấp huyện. Đây chính là động lực để nhà trường triển khai xây dựng mô hình trồng rau sạch ngay trong khuôn viên của đơn vị.

Quá trình thực hiện mô hình, nhà trường gặp nhiều thuận lợi bởi phân bón trồng rau mầm tìm kiếm rất dễ dàng. Bên cạnh đó, với ý nghĩa thiết thực từ trồng rau sạch trên vỏ cà phê, học sinh rất thích thú và có trách nhiệm cao trong thực hiện mô hình, cùng nhà trường tuyên truyền, vận động người thân, Nhân dân tích cực thu gom vỏ cà phê làm phân bón cho cây, bảo vệ môi trường. Nhiều tổ chức, cá nhân biết được hoạt động ý nghĩa này đã động viên, khích lệ nhà trường duy trì có hiệu quả mô hình thông qua hỗ trợ điều kiện để đơn vị mua sắm khay nhựa, cây giống, đầu tư hệ thống phun sương tưới cây.

Đến thăm trường vào một buổi sáng, sau buổi lao động vệ sinh khuôn viên trường lớp, dưới sự hướng dẫn tận tình của giáo viên chủ nhiệm, chúng tôi quan sát các em học sinh lớp 7B, Trường THCS Hướng Phùng đang tập trung chuẩn bị trồng rau cải mầm trên giá thể cà phê. Cùng nhau cho vỏ cà phê (đã được ủ với vôi hoai mục, xay mịn) vào các khay nhựa gọn gàng, gieo hạt cải, tưới nước cho cây, các em rất thích thú, say mê, vừa làm, vừa trao đổi kinh nghiệm trồng rau rôm rả.

Em Hồ Thị Thùy Dương, học sinh lớp 7B vui vẻ cho biết: “Em thấy mô hình trồng rau sạch từ vỏ cà phê rất tiện lợi và hữu ích. Nhờ được nắm bắt kỹ thuật trồng rau mầm, kỹ thuật làm phân từ vỏ cà phê tại trường, em đã về nhà tuyên truyền, vận động người thân và bà con hàng xóm không nên vứt vỏ cà phê bừa bãi, ảnh hưởng đến môi trường sống”.

Thùy Dương cũng đã hướng dẫn họ cách sử dụng vỏ cà phê để trồng rau mầm, vừa bảo vệ môi trường, vừa cung cấp cho gia đình nguồn thực phẩm an toàn. Những lúc ở nhà, mỗi khi rảnh rỗi, em cùng với bố mẹ trồng rau sạch trên vỏ cà phê. Nhờ vậy, ngày nào gia đình em cũng có rau sạch, giàu chất dinh dưỡng để ăn.

Từ việc nhân rộng mô hình rau sạch từ vỏ cà phê, em Hồ Thị Thanh Tâm, học sinh lớp 7B đã cùng mẹ trồng nhiều rau mầm tại nhà. Hằng ngày, gia đình em không chỉ có thêm rau sạch để ăn mà còn có rau mang ra chợ bán, có tiền để mua sắm dụng cụ học tập cho con.

Chia sẻ về mô hình trồng rau sạch từ vỏ cà phê trong nhà trường, thầy Đinh Anh Công, Hiệu trưởng Trường THCS Hướng Phùng phấn khởi thông tin: Từ việc vận động học sinh tham gia mô hình trồng rau sạch, nhà trường đã gián tiếp giáo dục kỹ năng làm việc theo nhóm cho các em. Kết quả lớn nhất thu được từ mô hình này chính là việc các em được áp dụng phương pháp trồng rau sạch trên giá thể cà phê vào thực tiễn hằng ngày, vừa phù hợp với sức lao động của mình, vừa tạo ra sản phẩm rau sạch phục vụ cho chính bản thân mình, gia đình và xã hội. Vừa góp phần tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp”.

KÔ KĂN SƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.