Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Trồng rừng gắn với bảo vệ môi trường

PV - 11:32, 15/10/2019

Tỉnh Lạng Sơn có hơn 80% diện tích đất lâm nghiệp, bằng các cơ chế, chính sách hỗ trợ người trồng rừng, những năm qua, nhiều hộ nông dân đầu tư trồng rừng lấy gỗ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, môi trường rừng nhờ đó cũng được bảo vệ.

Mỗi năm, người dân trồng rừng thu nhập hàng trăm triệu đồng từ bán nhựa thông và gỗ bóc.
Mỗi năm, người dân trồng rừng thu nhập hàng trăm triệu đồng từ bán nhựa thông và gỗ bóc.

Từ năm 1996, người dân thôn Bản Tẳng, xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn đã tham gia trồng rừng với những cây ban đầu chủ yếu là thông mã vĩ. Sau 15 năm, đến nay rừng thông đã cho khai thác nhựa. Trong thôn có hơn 60 hộ dân bắt đầu có thu nhập từ rừng, bình quân năm 2018, mỗi hộ có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng. Anh Lường Văn Thoảng chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 3ha rừng thông, trong đó có khoảng 3.200 cây cho khai thác với tổng giá trị năm 2018 là hơn 300 triệu đồng từ bán nhựa thông và gỗ thông”.

Xã Bắc Xa, huyện Ðình Lập, hơn 10 năm trước đây là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện nhưng đến nay đã là một trong ba xã về đích nông thôn mới. Chủ tịch UBND xã Bắc Xa, ông Tô Ðức Sơn cho biết: “Toàn xã hiện có hơn 11.000ha rừng thông, trung bình mỗi hộ trồng từ 10 đến 20ha, hộ nhiều là 40ha. Đến năm 2018, nhựa thông cho thu hoạch lên đến 1.200 tấn, trung bình mỗi hộ trồng thông có thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm”.

Bên cạnh cây thông, người dân xã Bắc Xa hiện đang phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng, chỉ sau hai năm triển khai, hiện nay xã đã có hơn 75ha cây sa nhân, ba kích, bước đầu tạo thu nhập cho người dân.

Không chỉ đẩy mạnh trồng rừng, một số hộ dân đã mạnh dạn đầu tư thành lập công ty, các tổ sản xuất chế biến gỗ. Hiện, toàn tỉnh có 171 doanh nghiệp và xưởng chế biến quy mô hộ gia đình, hằng năm chế biến được 20.500m3 ván xẻ, 45.500m3 ván bóc, trong đó có 20.000 tấn nhựa thông, 6.000 đến 6.500 tấn hồi khô. Các sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng cao và xuất khẩu sang thị trường các nước: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc... Ông Chu Văn Tấn, Giám đốc xưởng chế biến gỗ và lâm sản Tấn Chu cho biết: “Tôi vay Ngân hàng Chính sách đầu tư thiết bị máy móc, mở xưởng chế biến gỗ thông, các sản phẩm của Công ty tôi giúp đảm bảo đầu ra cho bà con tại thôn bản, tạo việc làm cho 30 lao động, với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng”.

Xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp là một thế mạnh của tỉnh, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã ban hành các chính sách như: hỗ trợ lãi suất vốn vay trồng cây lâm nghiệp và cây ăn quả; chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Nhờ đó, không chỉ cuộc sống người dân có nhiều thay đổi, mà diện tích trồng rừng ở Lạng Sơn theo thống kê luôn tăng cao sau mỗi năm. Cụ thể là từ năm 2010 đến nay, diện tích trồng rừng của tỉnh đạt hơn 90.000ha, bình quân đạt 9.500 đến 10.500ha/năm, góp phần tăng độ che phủ của rừng đến nay lên hơn 62%.

Dễ dàng nhận thấy, việc trồng rừng gắn với sản xuất lâm nghiệp thực tế đã mang lại những lợi ích tích cực cho người dân tham gia trồng rừng tại tỉnh Lạng Sơn. Với những thế mạnh tự nhiên và chính sách hiệu quả, bộ mặt kinh tế lâm nghiệp tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều thay đổi, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao diện tích rừng, môi trường được bảo vệ.