Thống kê trong năm 2018 cho biết, người Việt bỏ ra 3,4 tỷ đô la Mỹ cho hơn 4 tỷ lít rượu bia. Đây là một con số gây sốc nhưng lại đang dần trở nên bình thường hóa khi hằng ngày, hằng giờ chúng ta vẫn không thoát khỏi văn hóa lạc hậu “ép rượu”.
“Đã uống rượu bia không lái xe” là câu quen thuộc với mọi người từ lâu nhưng có lẽ nó vẫn chỉ dừng lại ở khẩu hiệu. Với nhiều người, chén rượu là thước đo sự nhiệt tình, sự tôn trọng của đối phương nên dù rượu bất khả ép, ép bất khả từ rồi … từ từ cũng hết. Dần dần, những nạn nhân miễn cưỡng bị chuốc say do cả nể sẽ có thể thỏa hiệp với thói quen này rồi lại tiếp tục… mời mọc những người khác.
Bắt ép người khác làm việc họ không muốn đã là điều khó chấp nhận thì ép rượu lại là thói xấu gấp nhiều lần. Chỉ cần nhìn những quán bia hơi đông nghịt mỗi giờ tan sở chúng ta đã biết được sở thích nhậu nhẹt khi buồn, vui hoặc thậm chí chẳng có lý do gì đã trở thành thói quen của nhiều người. Dù ai cũng biết rượu bia là thứ không hề bổ béo gì. Giới hạn của sự vui vẻ này đã đi quá xa khi trên bàn ăn, mâm rượu người ta nhất định phải la đà mời mọc.
20.000 người chết và bị thương do tai nạn giao thông năm 2018, con số này tương đương với dân số của một huyện. Và thật đau lòng vì trong số ấy, 40% tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia. Sự vui vẻ ấy có ý nghĩa gì khi chúng ta biết rằng khi nốt chén này, nốt cốc này… mình vẫn phải lái xe về nhà, dù trong trạng thái lâng lâng hay say khướt. Văn hóa ép rượu của không ít người Việt đã phải trả những cái giá rất đắt bằng tính mạng: những đau đớn muộn màng, những cuộc vui không có sự trở về.
HỒNG PHÚC