Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tương lai nào cho nạn nhân của tội phạm mua bán người?

PV - 13:19, 19/01/2018

Bài 2: Lấp đầy những khoảng trốngThực trạng tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân của tội phạm buôn bán người ở một số địa phương, nhất là ở vùng sâu, vùng xa đang gặp phải nhiều rào cản, trong đó, chủ yếu là thiếu các dịch vụ hỗ trợ và đào tạo, giải quyết việc làm. Đây chính là những khoảng trống cần được lấp đầy.

Tăng cường các dịch vụ xã hội

Để giải “bài toán” tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân trong các vụ buôn bán người, trước tiên chúng ta cần phải tăng cường các hỗ trợ xã hội. Công tác này bao gồm: phòng ngừa và can thiệp hỗ trợ cho các nạn nhân sau khi trở lại địa phương.

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm là giải pháp hiệu quả để giúp các nạn nhân của tội phạm buôn bán người tái hòa nhập cộng đồng. (Ảnh M.H) Đào tạo nghề, giải quyết việc làm là giải pháp hiệu quả để giúp các nạn nhân của tội phạm buôn bán người
tái hòa nhập cộng đồng. (Ảnh M.H)

 

Để làm được điều này, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên cho rằng trước tiên chúng ta cần xác định, “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trong đó, các cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền về các thủ đoạn của bọn buôn bán người cho các đối tượng nằm trong phạm vi ảnh hưởng. Đó là các nữ sinh trong các trường cấp 2, cấp 3, phụ nữ chưa có gia đình nằm trong độ tuổi sinh đẻ từ 18 – 30, nhất là các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa vùng lõm thông tin.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ đối với các nạn nhân của tội phạm buôn bán người, chú trọng đầu tư nhiều hơn cho các dịch vụ xã hội. Các địa phương cần tăng cường đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất cho các nhà tạm lánh, các trung tâm bảo trợ xã hội. Để các nạn nhân khi có nhu cầu có thời gian, không gian phục hồi tâm lý, sức khỏe trước khi tái hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác xã hội để họ có đủ kiến thức tiếp cận, chia sẻ với các nạn nhân buôn bán người và có đủ hiểu biết pháp luật nhằm can thiệp với cộng đồng, tổ chức xã hội, cơ quan tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng buôn bán bán người.

Tập trung đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Để các nạn nhân của tội phạm buôn bán người thực sự tái hòa nhập cộng đồng, bên cạnh các dịch vụ hỗ trợ tâm lý, xã hội thì biện pháp căn cơ nhất vẫn là đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các nạn nhân.

Ông Hà Minh Trần, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng phân tích, theo quy định pháp luật hiện hành, nạn nhân buôn bán người được hỗ trợ học văn hóa, học nghề. Cụ thể, nạn nhân là người chưa thành niên thuộc hộ nghèo, nếu tiếp tục đi học, thì được hỗ trợ tiền học phí, tiền mua sách giáo khoa và đồ dùng học tập trong năm học đầu tiên; nạn nhân khi trở về địa phương, nếu thuộc hộ nghèo thì được xem xét hỗ trợ học nghề.

Tuy nhiên, trong thực tế vấn đề đào tạo nghề cho nạn nhân gặp vô vàn khó khăn. Hiện nay, các nạn nhân buôn bán người chủ yếu là phụ nữ DTTS sống ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện địa lý đi lại rất khó khăn. Trong khi đó, bản thân các nạn nhân này lại mang tâm lý mặc cảm, tự ti.

Minh chứng như ở Cao Bằng, có hơn 300km đường biên giới, dân số trên 52 vạn người, trong đó, có 20 vạn là phụ nữ trong độ tuổi lao động là nhóm dễ bị buôn bán người.

Thời gian qua, tại tỉnh Cao Bằng đã có hàng trăm người bị buôn bán. Mỗi năm Cao Bằng cũng tiếp nhận hàng chục đối tượng là nạn nhân bị buôn bán người trong tỉnh và cả các tỉnh khác. Để giúp nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, cán bộ làm công tác xã hội Cao Bằng đã đến gặp gỡ trực tiếp các đối tượng vận động họ đi học nghề. Tuy nhiên, số lượng đi học nghề cũng rất thấp, năm cao nhất chỉ có vài người, có năm không có đối tượng nào theo học.

Chia sẻ về giải pháp đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho nạn nhân của tội phạm buôn bán người, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội cho biết, trước hết chúng ta cần rà soát đối tượng bị buôn bán người và phân loại họ theo các trình độ văn hóa, từ nhóm không biết chữ, đối tượng mới biết chữ và nhóm học xong phổ thông. Qua đó, nghiên cứu các lớp dạy nghề phù hợp với trình độ của các nạn nhân.

Với các đối tượng ở vùng DTTS, sau khi đã phân loại cần chọn các giáo viên nói được tiếng của đồng bào, am hiểu văn hóa, phong tục giúp các nạn nhân dễ dàng tiếp cận. Có như vậy, các nạn nhân mới bớt tự ti mặc cảm nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng.

Đặc biệt, qua thống kê cho thấy, hầu hết nạn nhân sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa nên việc giải quyết việc làm cho các nạn nhân cần được các cấp chính quyền ưu tiên, trong đó ngoài việc thực hiện các chính sách hỗ trợ, các tổ chức chính trị, đoàn thể cần quan tâm hướng dẫn, tạo thuận lợi cho họ tiếp cận với nguồn vốn vay phát triển sản xuất; giúp đỡ họ tìm được việc làm, xây dựng được mô hình kinh tế phù hợp với khả năng, thực tế ở địa phương để ổn định cuộc sống.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.