Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục dân tộc

Tuyên Quang: Đưa di sản văn hóa vào trường học-nhìn từ các trường dân tộc nội trú

Việt Hà - 08:10, 20/12/2022

Giáo dục di sản văn hóa, là một trong những hoạt động giáo dục quan trọng của các trường chuyên biệt vùng DTTS và miền núi nhằm bồi đắp cho học sinh kiến thức cơ bản về truyền thống văn hóa các DTTS, giúp học sinh “có hiểu mới yêu” di sản văn hóa của cha ông mình. Hiện nay, việc đưa di sản văn hóa vào trường học đang được các địa phương vùng DTTS, miền núi nói chung, tỉnh Tuyên Quang nói riêng quan tâm chỉ đạo thực hiện thường xuyên trong năm học.

Đưa các hoạt động giáo dục di sản văn hóa vào học đường giúp các em học sinh DTTS tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang biết trân trọng văn hóa dân tộc
Đưa các hoạt động giáo dục di sản văn hóa vào học đường giúp các em học sinh DTTS tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang biết trân trọng văn hóa dân tộc

Cô Bùi Thị Thu Hồng là giáo viên dạy môn Âm nhạc, Trưởng ban Văn thể của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang từ 25 năm nay. Gắn bó với ngôi trường, hằng ngày thường xuyên tiếp xúc, giảng dạy các em học sinh người DTTS nên cô Hồng hiểu rất rõ về tâm lý, suy nghĩ, tính cách các học trò của mình. Các em thường nhút nhát, rụt rè, ít bộc lộ ra ngoài... Chính vì thế, việc tổ chức các buổi tham gia sinh hoạt ngoại khóa, đưa các em hòa mình vào hoạt động văn hóa, văn nghệ sẽ giúp các em hòa đồng, tự tin hơn.

Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Tuyên Quang, 100 % học sinh là con em đồng bào các DTTS, trong đó học sinh dân tộc Tày chiếm tỷ lệ khá đông. Nhiều em có năng khiếu đặc biệt về âm nhạc. Các em hát rất hay các làn điệu Then của dân tộc Tày- Nùng. Phát hiện ra tiềm năng này, từ năm 2010, cô Bùi Thị Thu Hồng đã tham mưu với Ban Giám hiệu Nhà trường thành lập Câu lạc bộ (CLB) hát Then. Ý tưởng của cô Hồng phù hợp với chủ trương của Đảng, của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch nên được lãnh đạo nhà trường ủng hộ ngay. 

Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, Trưởng Ban văn hóa thể thao Trường PTDTNT THPT tỉnh Tuyên Quang bên cây đàn tính.
Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, Trưởng Ban văn hóa thể thao Trường PTDTNT THPT tỉnh Tuyên Quang bên cây đàn tính.

Khi mới thành lập, CLB chỉ có 10 thành viên là học sinh dân tộc Tày của trường. Ngoài trực tiếp giảng dạy, cô Hồng còn mời các nghệ nhân am hiểu về hát Then, đàn Tính đến dạy cho các em trong CLB. Với ý nghĩa tích cực và nét văn hóa đặc sắc trong hát Then, CLB ngày càng thu hút nhiều học sinh từ 15-18 tuổi tham gia. Đặc biệt, ngoài các học sinh dân tộc Tày, CLB còn có các em học sinh người Dao, Cao Lan tham gia.

Em Nông Hải Vỹ, dân tộc Tày, học sinh lớp 12B, cho biết: "Em rất vui và tự hào vì mình đã đóng góp công sức giữ gìn và phát huy giá trị làn điệu Then của dân tộc. Khi tham gia CLB, được cô giáo và các nghệ nhân truyền dạy, em đã biết hát Then, đánh đàn Tính và biết thêm về những giá trị văn hóa đặc sắc trong làn điệu Then của dân tộc. Hiện nay, em đã có thể giúp cô giáo hướng dẫn cách hát Then, cách đánh đàn Tính cho các thành viên mới tham gia CLB. Em hy vọng, thời gian tới sẽ có thêm nhiều bạn trẻ tham gia vào việc giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình…"

Cô Bùi Thị Thu Hồng cho biết, hiện nay, CLB hát Then-đàn Tính Trường PTDTNT THPT tỉnh Tuyên Quang có 50 thành viên. CLB sinh hoạt đều đặn vào các ngày thứ 7 và Chủ Nhật. CLB không chỉ giúp học sinh có nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa mà còn góp phần giữ gìn làn điệu Then, lan tỏa ý thức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cho thế hệ trẻ. 

Các thành viên trong CLB đã tham gia biểu diễn nhiều chương trình, sự kiện cấp tỉnh và dành được nhiều lời khen ngợi. Đặc biệt, trong các lần tham gia Festival các trường nội trú toàn quốc, thì có 6 lần các tiết mục văn nghệ, trong đó có hát Then của nhà trường đạt Huy chương Vàng, 1 lần đạt Huy chương Bạc tại Hội thi “Giai điệu tuổi hồng học sinh THPT” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh dạy hát Then cho học sinh.
Cô giáo Bùi Thị Thu Hồng, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh dạy hát Then cho học sinh.

Ngoài việc thành lập CLB hát Then-đàn Tính, Trường PTDTNT THPT tỉnh Tuyên Quang còn tăng cường giáo dục di sản văn hóa-lịch sử, cách mạng cho học sinh. Dịp sinh nhật Bác 19/5 năm nay, Trường đã tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang” năm 2022 thu hút đông đảo học sinh tham gia. 

Cuộc thi nhằm khuyến khích việc tìm hiểu, trải nghiệm và viết các bài thuyết minh giới thiệu về giá trị các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh để quảng bá, giới thiệu cho khách tham quan du lịch. Bên cạnh đó, còn góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của học sinh và Nhân dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử của tỉnh.

Ngoài ra, trong mỗi năm học, Trường PT Dân tộc nội trú - THPT tỉnh Tuyên Quang còn tổ chức cho học sinh đi học thực tế lịch sử địa phương tại một số di tích, danh thắng trên địa bàn trong và ngoài tỉnh như: Tham quan Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Đền thờ Bác Hồ; Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang; Khu di tích lịch sử Bình Ca; Chi bộ Mỏ Than tỉnh Tuyên Quang...

Các em học sinh Trường PT Dân tộc nội trú - THPT tỉnh Tuyên Quang thăm di tích Chi bộ Mỏ Than
Các em học sinh Trường PT Dân tộc nội trú - THPT tỉnh Tuyên Quang thăm di tích Chi bộ Mỏ Than

Những buổi học thực tế hình thành trong học sinh tinh thần trách nhiệm, ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Đặc biệt, giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào với những giá trị lịch sử của quê hương, khắc ghi công ơn của những thế hệ cha ông đi trước. Qua đây, các em có thêm những kiến thức thực tế về lịch sử địa phương từ đó thêm yêu mến, tự hào với địa danh "Thủ đô kháng chiến".

Còn tại Trường PTDTNT Na Hang, chủ trương đưa di sản văn hóa vào trường học cũng được Nhà trường triển khai rất tốt. Vào khoảng tháng 4 - 5 hàng năm, nhà trường thường tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam. Trong ngày hội diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tưng bừng, sống động do chính các em học sinh và giáo viên tham gia, thể hiện.

Trong các bộ trang phục dân tộc rực rỡ nhiều sắc màu, các em học sinh và cả giáo viên biểu diễn những làn điệu dân ca, dân vũ sâu lắng, ngọt ngào uyển chuyển. Những tiết mục biểu diễn nhạc cụ dân tộc, hát dân ca, các điệu múa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, như hát Then của dân tộc Tày, hát páo dung của dân tộc Dao, hát dân ca và các điệu múa khèn của dân tộc Mông.

Hát then dần trở thành nét văn hóa đặc trưng, đặc sắc tại các trường dân tộc nội trú của tỉnh Tuyên Quang.
Hát then dần trở thành nét văn hóa đặc trưng, đặc sắc tại các trường dân tộc nội trú của tỉnh Tuyên Quang.

Bên cạnh đó, các đội thi hăng hái tham gia cuộc thi tìm hiểu và giới thiệu về những nét văn hóa đặc sắc của các DTTS. Các nhóm học sinh lựa chọn những nét đặc sắc của dân tộc mình như, trang phục dân tộc truyền thống, văn hóa ẩm thực, kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, nghi lễ, sản vật quê hương của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Sán Dìu…để giới thiệu. Ngoài ra, những trò chơi dân gian như, ném còn, kéo co, đẩy gậy, đánh yến… cũng được học sinh hưởng ứng nhiệt tình, tham gia sôi nổi.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hoa, Phó Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang cho biết: Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có khoảng 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính. Đa số các câu lạc bộ đã đi vào hoạt động nền nếp, hiệu quả, sinh hoạt 1 hoặc 3 tháng một lần. Số lượng người trẻ tuổi, học sinh biết hát Then và thực hành các làn điệu hát Then đã tăng lên gần 2.000 người. 

Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then, Sở đã khuyến khích các địa phương có đông đồng bào dân tộc Tày sinh sống, thành lập các CLB hát Then - đàn Tính, truyền dạy cho thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh, thiếu niên dân tộc Tày nghệ thuật âm nhạc, đàn hát, múa, diễn xướng Then; đưa hát Then, đàn Tính vào dạy trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, dân tộc nội trú; khuyến khích các nghệ nhân lưu giữ, ghi chép lại đầy đủ những khúc hát Then, đặc biệt là các bài Then cổ. 

Đồng thời, tỉnh xây dựng Đề án Làng văn hóa du lịch gắn với bảo tồn các làn điệu hát Then tại một số địa phương; tập trung truyền dạy và thực hành hát Then - đàn Tính thông qua việc đào tạo lớp nghệ nhân kế cận, đặc biệt là nghệ nhân trẻ…

Hoạt động thi trò chơi dân gian đi cà kheo trong trường dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang
Hoạt động thi trò chơi dân gian đi cà kheo trong trường dân tộc nội trú tỉnh Tuyên Quang

Còn theo Nghệ nhân ưu tú Ma Văn Đức, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tuyên Quang, hiện nay, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên và học sinh về bảo tồn, gìn giữ và phát triển các di sản văn hóa nói chung, hát Then nói riêng trong các nhà trường là rất cần thiết. 

Do đó, để phát huy hiệu quả và tạo sức lan tỏa di sản văn hóa trong học đường, các nhà trường cần được quan tâm, đầu tư hơn nữa để xây dựng đội ngũ truyền dạy di sản văn hóa, đầu tư kinh phí, trang thiết bị... Các địa phương trong tỉnh cần quan tâm nắm chắc số lượng nghệ nhân ở từng loại hình di sản, lựa chọn những nghệ nhân thực sự am hiểu về loại hình đó để truyền dạy trong dòng họ, cộng đồng, trường học…

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.