Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sức khỏe

Tuyên Quang: Nâng cao chất lượng cuộc sống cho đồng bào DTTS nhờ BHYT

V. Minh - 10:47, 29/12/2022

Là một tỉnh miền núi với hơn 53% dân số là đồng bào DTTS, Tuyên Quang đã và đang tập trung đẩy mạnh chính sách cấp và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) nhằm hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, có thể tiếp cận việc khám chữa bệnh thuận lợi hơn và thay đổi thói quen, hiểu biết về chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực ATK huyện Yên Sơn khám bệnh cho người dân.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực ATK huyện Yên Sơn khám bệnh cho người dân.

Theo quy định, đồng bào DTTS sinh sống ở vùng kinh tế khó khăn, đặc biệt khó khăn được Nhà nước cấp thẻ BHYT và được hưởng quyền lợi 100% chi phí khám, chữa bệnh khi sử dụng thẻ BHYT. Nhờ đó đã giúp đồng giảm bớt gánh nặng chi phí khám, chữa bệnh khi ốm đau, có điều kiện chăm sóc sức khỏe, vươn lên trong cuộc sống. 

Tại Tuyên Quang, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH), đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý đối tượng trên phần mềm công nghệ. Theo đó, BHXH tỉnh chỉ đạo BHXH các huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn và chính quyền địa phương, rà soát đối tượng, qua đó nắm bắt thực tế để kịp thời sửa đổi, bổ sung những thông tin trên thẻ BHYT để giúp người dân đi khám chữa bệnh được thuận tiện hơn.

Bệnh viện Đa khoa khu vực ATK, là nơi tiếp nhận, điều trị cho Nhân dân các xã thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang và một số xã lân cận thuộc tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Thời điểm trước, việc chăm sóc sức khỏe cho người DTTS trên địa bàn khu vực, gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế của người dân eo hẹp, người dân chưa quen với việc đi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. 

Trong những năm gần đây, nhiều chính sách mua và cấp miễn phí thẻ BHYT của Nhà nước, đã giúp đồng bào DTTS nơi đây dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y yế, góp phần giảm gánh nặng chi phí khám chữa bệnh.

Ông Nông Văn Bé, dân tộc Tày ở thôn Nà Ho, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn chia sẻ: “Tôi bị bệnh gút hơn chục năm rồi. Tôi đi nhiều nơi và về tận Hà Nội để chữa trị, nhưng nhờ có thẻ BHYT, đã giúp gia đình tôi giảm bớt được rất nhiều chi phí về viện phí, thuốc men. Rất là cám ơn Đảng, Nhà nước giúp gia đình tôi có thẻ bảo hiểm để tôi được chữa bệnh tốt hơn”.

Chính sách hỗ trợ BHYT cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn giúp người dân tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế
Chính sách hỗ trợ BHYT cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn giúp người dân tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ y tế

Cùng với quyền lợi được Nhà nước hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh khi sử dụng thẻ BHYT, đồng bào DTTS sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn còn được hỗ trợ chi phí vận chuyển từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh, từ tuyến tỉnh về tuyến Trung ương trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến, do chuyên môn kỹ thuật quá khả năng điều trị. Chính sách này, đã góp phần giảm bớt gánh nặng chi phí khám chữa bệnh cho người DTTS.

Để chính sách chăm sóc sức khỏe toàn diện đến với đông đảo người dân, nhất là đồng bào DTTS, những năm qua BHXH tỉnh Tuyên Quang cũng đã chủ động phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Ban Dân tộc tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn, yêu cầu UBND các huyện chỉ đạo các phòng, ban có liên quan tiến hành rà soát, lập danh sách đối tượng người DTTS thuộc diện được Nhà nước mua thẻ BHYT và gửi BHXH huyện trước ngày 15/12 hàng năm, để kịp thời rà soát đối chiếu, thực hiện việc in thẻ BHYT.

Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Người dân ở vùng đồng bào DTTS cũng không phải lo canh cánh lấy đâu ra tiền để mua thẻ BHYT và chi phí khi bị ốm đau, bệnh tật, phải đi bệnh viện chữa trị. Vì Nhà nước cũng đã hỗ trợ mua thẻ BHYT cho những hộ cận nghèo để bớt gánh nặng chi phí dịch vụ y tế trong quá trình đi khám chữa bệnh”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác cấp thẻ BHYT cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang còn gặp một số khó khăn. Do phong tục, tập quán và trình độ dân trí của đồng bào không đồng đều, thói quen sử dụng nhiều tên, nhiều năm sinh, cách phát âm, viết chữ phổ thông còn hạn chế dẫn đến sai lệch thông tin trên thẻ bảo hiểm và giấy tờ tùy thân.

Để khắc phục tình trạng này, thời gian tới, BHXH tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác rà soát, lập danh sách cấp thẻ BHYT hằng năm; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác rà soát, lập danh sách cấp thẻ BHYT cho các đối tượng chính sách.