Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Tuyên Quang nỗ lực đảm bảo an toàn cho người dân vùng thiên tai

Việt Hà - 18:14, 30/05/2023

Do đặc điểm địa hình, Tuyên Quang chịu tác động rất lớn của thiên tai như sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Tuy nhiên, thời gian qua, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã nỗ lực xây dựng kế hoạch và tổ chức di chuyển người dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Đời sống người dân phát triển ở nơi tái định cư
Đời sống người dân phát triển ở nơi tái định cư

An cư lạc nghiệp

Thôn Đèo Mủng, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn vốn là vùng đất sinh sống của người dân tộc Dao. Trước đây, thôn Đèo Mủng thường xuyên bị cô lập do ở xa trung tâm lại bị bao vây bởi nhiều sông, suối. Tuy nhiên, nhờ chính sách tái định cư, người dân được tổ chức di cư tới nơi ở mới an toàn hơn.

Anh Triệu Văn Quyết, người dân tái định cư thôn Đèo Mủng chia sẻ, trước đây gia đình anh và nhiều hộ trong thôn sống rải rác theo sườn núi. Mùa mưa về họ lại canh cánh nỗi lo đất đá sạt lở vùi lấp nhà ở.

Anh Quyết nhớ lại, 5 năm trước gia đình anh được phen hú hồn, cả khối đất đá trên núi cao lăn xuống rất may chỉ vùi lấp chuồng trại chăn nuôi chứ nếu vào nhà chắc không ai sống sót, quả thực là sống trong nơm nớp nỗi lo.

Năm 2018, xã vận động di chuyển, anh em họ hàng động viên, tạo điều kiện sang nhượng mặt bằng, Nhà nước hỗ trợ, gia đình anh quyết định di dời nhà đến nơi an toàn hơn. Anh Quyết chia sẻ, di chuyển đến nơi an toàn, điều kiện sống tốt hơn rất nhiều, thực sự yên tâm sinh sống, không còn lo sợ mỗi khi trời mưa bão nữa.

Hộ ông Bàn Văn Tiến cũng là một trong những hộ được hỗ trợ tái định cư đến nơi an toàn của thôn Đèo Mủng. Ông Tiến phấn khởi khoe, có nơi ở mới an toàn, cả gia đình ông không còn cảnh dắt díu nhau đi sơ tán mỗi khi có mưa bão như trước.

Trước đây, mỗi lần nghe thông tin mưa bão là cả gia đình ông Tiến ăn không ngon, ngủ không yên. Ông Tiến bảo, Nhà nước quan tâm, địa phương sắp xếp bố trí đến nơi ở mới, có hệ thống nước sạch, điện lưới quốc gia được kéo đến từng hộ, không riêng gì ông, bà con được tái định cư tại chỗ ai cũng mừng. Có chỗ ở ổn định, các gia đình yên tâm làm ăn phát triển kinh tế.

Còn tại thôn Tông Bốc, xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa có 11 hộ dân tộc Tày sống ở vùng có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, thời gian qua, 11 hộ dân này đã được tái định cư tới nơi ở mới an toàn. Người dân an cư lạc nghiệp.

Bản làng ấm no nhờ chính sách tái định cư
Bản làng ấm no nhờ chính sách tái định cư

Nỗ lực sắp xếp

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang nhấn mạnh, do đặc điểm địa hình, Tuyên Quang chịu tác động rất lớn của loại hình thiên tai. Do đó, chính quyền các cấp phải bảo vệ tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của người dân. Các địa phương có các hộ dân sống trong vùng xung yếu cần phải được chuyển đến nơi ở mới đảm bảo an toàn, điều kiện sống phải tốt hơn nơi ở cũ.

Theo UBND tỉnh Tuyên Quang, nhằm bố trí ổn định dân cư tại các vùng thiên tai, tỉnh đã xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn bố trí, sắp xếp ổn định dân cư và di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh Tuyên Quang sẽ bố trí ổn định nơi ở cho 1.959 hộ, trong đó tập trung 311 hộ, xen ghép 694 hộ, dự án dự kiến mở mới thực hiện giai đoạn 2021-2025 cho 954 hộ (ở tập trung), với tổng kinh phí thực hiện trên 872 tỷ đồng.

Sinh kế của người dân được đảm bảo khi về nơi ở mới
Sinh kế của người dân được đảm bảo khi về nơi ở mới

Theo đó, trên cơ sở quy hoạch tổng thể bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do và rừng đặc dụng đã được UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt, các đơn vị sẽ rà soát, lập kế hoạch chi tiết. Cùng với đó, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch bố trí dân cư theo thứ tự ưu tiên, nơi có nguy cơ cao về thiên tai phải bố trí thực hiện trước; xây dựng phương án và thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai...

Các xã, phường nhận hộ dân đến ở xen ghép hỗ trợ di chuyển 20 triệu đồng/hộ và hỗ trợ cộng đồng 50 triệu đồng/hộ để thực hiện các nội dung như, điều chỉnh đất ở, đất sản xuất để giao cho những hộ mới đến, xây dựng mới hoặc nâng cấp một số công trình hạ tầng thiết yếu...

Ngoài ra, hộ dân được bố trí, sắp xếp lại chỗ ở sẽ được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay từ các quỹ như: Quỹ hỗ trợ phát triển sản xuất, Quỹ hỗ trợ quốc gia về việc làm, Chương trình cho vay hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ hỗ trợ nông dân… từ đó tạo điều kiện giúp người dân phát triển kinh tế bền vững.