Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Ứng phó với sạt lở tại Đồng Bằng Sông Cửu Long: Dù cấp bách nhưng vẫn phải chờ vốn

PV - 15:56, 14/08/2018

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ 1.500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2018 cho 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển. Bằng nguồn vốn này, các địa phương đã triển khai nhiều dự án xử lý bờ sông, kè biển, nâng cấp hệ thống đê bao, khắc phục thiên tai đã gây ra nhằm giảm tổn thất cho người dân về người và tài sản. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều dự án mang tính cấp bách ứng phó với thiên tai vẫn phải chờ vốn.

ĐBSCL Phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ nơi diễn ra vụ sạt lở nghiêm trọng vào cuối tháng 5.

Sạt lở trên diện rộng

Đến nay, toàn vùng ĐBSCL có 562 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 786 km, riêng sạt lở bờ sông có đến 513 điểm, với chiều dài 520 km. Trong đó, đặc biệt nguy hiểm 55 điểm, chiều dài 173 km, bờ biển sạt lở 20 điểm, chiều dài 98 km. Tình trạng sạt lở đã làm suy thoái rừng ngập mặn tương đối lớn, tính trong 5 năm gần đây, diện tích rừng ngập mặn giảm 10%, tương đương trên 28.378 ha.

Điển hình như tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 112 vụ sạt lở, chiều dài trên 3,5 km, thiệt hại 136 căn nhà, ước thiệt hại trên 8 tỷ đồng. Cà Mau cũng thống kê được 37 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài hơn 30km sạt lở bờ biển (Tây và Đông) dài trên 20 km. Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCTTTKCN tỉnh Cà Mau, từ nay đến cuối năm 2018, tình hình sạt lở đất ven sông sẽ còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Tại tỉnh An Giang, từ đầu năm đến nay cũng đã xảy ra hơn 30 vụ sạt lở. Ông Trần Đặng Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, theo kết quả quan trắc đợt II năm 2017 để cảnh báo cho mùa khô năm 2018, toàn tỉnh có tổng số 51 đoạn sông, với tổng chiều dài các đoạn nguy cơ sạt lở khoảng 162,6 km (trên tổng số 400 km đường bờ), gây ảnh hưởng cho hơn 20.000 hộ dân, trong đó có hơn 5.380 hộ dân cần di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực sạt lở.

Nhận định về tình hình sạt lở tại nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL thời gian qua, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL lý giải, nguyên nhân sạt lở là do mất cân bằng trong thiên nhiên; “Trước tiên là thiếu phù sa do các đập thủy điện trên dòng Mekong chắn lại, thiếu cát là do khai thác cát quá tải. Hiện nay, sạt lở không còn tuân theo quy luật thiên nhiên, các tỉnh không ảnh hưởng lũ lụt vẫn sạt lở.”

Giải pháp ứng phó cấp bách

Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết: Với nguồn vốn được phân bổ 250 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, An Giang đã đầu tư cho 5 dự án cấp bách dọc theo Sông Hậu và Sông Tiền. Đây là những khu vực thường xảy ra sạt lở nghiêm trọng, gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất và sinh hoạt người dân, trong đó có việc nhiều nhà cửa, tài sản của dân rơi xuống sông, hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp, đường giao thông bị cắt đứt.

Ở TP . Cần Thơ, khu vực cồn Tân Lộc (quận Thốt Nốt); sông Cần Thơ (quận Ninh Kiều) và quận Cái Răng là những điểm nóng về sạt lở bờ sông. Từ đầu năm đến nay, TP . Cần Thơ có 15 điểm sạt lở bờ sông, làm sập hoàn toàn 10 căn nhà và 43 căn nhà bị ảnh hưởng. Tổng chiều dài do sạt lở gây ra là 368m, ước tổng thiệt hại trên 31 tỷ đồng.

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP . Cần Thơ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN cho biết: “Hiện, Thành phố có 4 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, với tổng chiều dài 12.600m, cùng nhiều điểm sạt lở nguy hiểm khác tại khu vực dân cư. TP . Cần Thơ rất cần nguồn vốn từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương để khắc phục sạt lở, hạn chế thiệt hại.

Trước mắt, bằng nguồn hỗ trợ trong gói 1.500 tỷ đồng của Chính phủ cấp, sẽ ưu tiên khắc phục những thiệt hại do sạt lở gây ra từ đầu năm đến nay, kịp thời hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân. Riêng các dự án, công trình thích ứng BĐKH vẫn phải chờ cân đối vốn” .

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL cho rằng, để đối phó, thích ứng với biến đổi khí hậu về lâu dài, các địa phương cần kết hợp công trình giảm sóng và gây bồi. Các công trình nên áp dụng dạng công trình ngắn hạn, đơn giản, sử dụng vật liệu địa phương hoặc vật liệu nhẹ có thể tận dụng lại và dễ dàng tháo dỡ, di chuyển và lắp đặt khi đối phó với sạt lở đê biển. Giải pháp nuôi bãi cũng cần được nghiên cứu, thử nghiệm.

“Cơ quan chức năng cũng cần cảnh báo để người dân chủ động phòng tránh khi lượng nước từ đầu nguồn sông Mekong đổ về mạnh khiến cho tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra càng nhiều, kể cả vào mùa khô” , thạc sĩ Thiện đề xuất.

HẠNH NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục