Thêm sức sống bền bỉ với thời gianLà nhà viết kịch tiêu biểu của Việt Nam, đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016 cho các vở kịch “Huyền thoại mẹ xứ sở”, “Trần Hưng Đạo” và gần 10 Huy chương Vàng, Bạc tại các hội diễn sân khấu toàn quốc, ông Nguyễn Sỹ Chức luôn đau đáu với những đề tài về sân khấu lịch sử, tuồng cổ, bài chòi. Khát vọng về việc bảo tồn bền vững các môn nghệ thuật độc đáo của dân tộc luôn thường trực trong từng nếp nghĩ và in đậm trên từng tác phẩm của ông.
Ông Chức quả quyết: “Không nói đâu xa, dăm năm trước, tôi còn trực tiếp đến các vùng rừng núi, vùng đồng bào DTTS ở khắp khu vực miền Trung biểu diễn các vở kịch lịch sử như: “Trần Hưng Đạo”, “Trần Quốc Toản”, kịch bài chòi về lao động sản xuất… Khi vở diễn vừa hạ màn, từ người Raglai, Chơ Ro, Chăm… đều rưng rưng nước mắt ùa lên sân khấu để cổ vũ khích lệ diễn viên. Có hôm 7 giờ tối mới bắt đầu diễn mà ngay từ lúc nắng còn le lói, bà con đã kéo đến sân vận động hoặc nhà cộng đồng của xã để chờ xem. Lúc đó, cảm nhận thấy rõ, nghệ thuật truyền thống được đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa thẩm thấu từng tiểu cảnh, từng màn diễn vậy. Họ xem xong còn về kể cho con, cho cháu mình nghe một cách đầy hào sảng”.
Càng cảm nhận sâu sắc sự háo hức đón nhận của người dân ở vùng sâu, vùng xa bao nhiêu, nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức càng trăn trở với các môn nghệ thuật truyền thống bấy nhiêu. Ông chia sẻ, bây giờ lịch biểu diễn các nhà hát, các chương trình nghệ thuật từ Trung ương đến địa phương về vùng sâu, vùng DTTS rất thưa. Có xã, đồng bào dân tộc mong mỏi cả năm mới có đoàn nghệ thuật truyền thống đến diễn lưu động vài đêm. Trong khi đó, “tôi trực tiếp đến nhiều thành phố, thăm nhiều nhà hát nguy nga để xem các vở tuồng cổ, kịch lịch sử… thì chao ôi, khán giả lèo tèo, xem kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”. Có vở tuồng lịch sử diễn ở các xã người dân tộc ở Quảng Nam có đến mấy ngàn đồng bào đến xem. Cũng vở diễn đó mang về nhà hát ở Đà Nẵng diễn thì chỉ vài trăm người xem. Các nghệ sĩ thì ngậm ngùi mà sức lan tỏa đến cộng đồng cũng không cao”.
Nâng cao thị hiếu cho khán giả vùng sâuÔng Chức vẫn còn nhớ như in những ngày về huyện Nam Trà My (Quảng Nam) diễn kịch lưu động vở kịch lịch sử như “Huyền thoại mẹ xứ sở”, “Trần Hưng Đạo”…, hàng ngàn người Xơ-đăng, M’nông, Cor kéo đến xem và rưng rưng nước mắt. Họ cảm động, tự hào về anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, tự hào và xúc động về chiến công của những người con ưu tú của dân tộc. Sau những buổi diễn lưu động ấy, có người còn mang gà, rau đến cho Đoàn nghệ thuật với ước mong tha thiết Đoàn tiếp tục diễn các vở kịch lịch sử để họ xem.
Nhìn vào thực trạng nghệ thuật truyền thống, nhất là lĩnh vực kịch lịch sử, ông Chức đượm buồn, bộc bạch: “Bây giờ, nhiều khán giả ở các đô thị lớn không mấy mặn mà với tuồng cổ, kịch dân ca, kịch lịch sử. Cho nên khâu đào tạo, nâng cao thị hiếu, sở thích của đông đảo khán giả là điều rất quan trọng. Chính việc thường xuyên về vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS biểu diễn lưu động các loại hình nghệ thuật truyền thống cũng là cách để nâng cao thị hiếu cho đông đảo khán giả. Đơn cử như có xã người DTTS chúng tôi về biểu diễn thường xuyên các vở kịch lịch sử, sau mấy năm trở lại thì từ đứa trẻ đến thanh niên, người già đều nói rất thích tuồng cổ, thích kịch lịch sử”.
Trong số trên 70 vở kịch sân khấu truyền thống được dàn dựng cho các đoàn chuyên nghiệp trên toàn quốc biểu diễn ở các sân khấu lớn, Nguyễn Sỹ Chức luôn mong muốn các đoàn hãy dành một số buổi đến vùng sâu biểu diễn chứ không nên cứ co cụm trong phố thị. Với ông, đưa đến cho các vùng miền những vở kịch hay, những đêm rộn vang tiếng vỗ tay đón nhận của khán giả là niềm hạnh phúc cao nhất. Những giải thưởng chỉ góp thêm sức mạnh tinh thần để ông gạt qua nhiều biến cố của cuộc sống.
Trang viết phản ánh tác giả, trường hợp này đúng với nhà viết kịch Nguyễn Sỹ Chức. Nhiều biến cố, nhiều trăn trở và lao lực với kịch bản sân khấu, sức khỏe ông bây giờ cũng hay đau ốm. Nhưng, tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa hằng ngày ông vẫn cần mẫn ngồi vào bàn viết. Với ông, trong tâm thế của một người cầm bút bộc trực và thẳng thắn thì những hào quang, những huy chương luôn nằm sau sự trăn trở với nghề, với cuộc sống.
HÀ VĂN ĐẠO