Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

“Uống nước nhớ nguồn”

PV - 14:27, 25/07/2018

Giai đoạn 2013-2020, cả nước có 393.707 hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở. Với nỗ lực của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội cùng các cấp ủy, chính quyền địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công, đến nay hàng trăm nghìn hộ người có công đã được an cư trong những căn nhà kiên cố.

Những ngày này, khi cả cả nước đang hướng về Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, thì mỗi thành viên trong những gia đình người có công với cách mạng được hỗ trợ làm nhà mới hoặc sửa chữa từ nguồn hỗ trợ theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg càng thêm nhiều ý nghĩa. Những căn nhà nghĩa tình không chỉ là nơi an cư mà còn là động lực giúp các gia đình, thân nhân người có công vươn lên trong cuộc sống.

Uống nước nhớ nguồn Hỗ trợ gia đình người có công về nhà ở vừa là việc làm nhân văn, vừa góp phẩn bảo đảm an sinh xã hội. (Ảnh minh họa)

Trong ngôi nhà sàn bằng gỗ cao ráo, thoáng mát, ông Lò Văn Pánh, người có công ở bản Nà Hát B, xã Mường Bám (Thuận Châu, Sơn La) không giấu được niềm vui. Ông phấn khởi chia sẻ: Ngôi nhà trước đây làm từ nhiều năm nay rồi, đã xuống cấp, xà bị mối mục... vào những ngày mưa, gió thường dột, ngập nước khiến cuộc sống sinh hoạt của gia đình gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, gia đình ông được hỗ trợ 40 triệu đồng, cộng với tiền tiết kiệm của gia đình và sự giúp sức của bà con trong bản, gia đình đã làm lại nhà mới kiên cố hơn.

Niềm vui của ông Pánh cũng là tâm trạng của 22 gia đình người có công ở xã Mường Bám. Qua rà soát, toàn xã Mường Bám có 33 hộ được thụ hưởng Quyết định 22/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công; trong đó có 13 hộ làm nhà mới, 20 hộ sửa chữa. Đến nay xã đã quyết toán kinh phí hỗ trợ 12 hộ làm nhà mới với kinh phí 480 triệu đồng (40 triệu đồng/hộ); hỗ trợ 11 hộ sửa chữa với kinh phí 220 triệu đồng (20 triệu đồng/hộ); còn 10 hộ đang hoàn tất hồ sơ để thực hiện.

Cũng như 22 gia đình người có công ở xã Mường Bám, hàng trăm nghìn gia đình người có công trên cả nước đã được hưởng niềm vui an cư trong những căn nhà “3 cứng” (mái cứng, nền cứng, khung cứng) từ nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg. Trong điều kiện nguồn ngân sách còn hạn hẹp nhưng Chính phủ đã chủ động bố trí nguồn kinh phí để triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công.

Theo báo cáo của Cục Người có công, giai đoạn 2013-2020, cả nước có tổng số 393.707 hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở (gồm 184.695 hộ xây mới và 209.012 hộ sửa chữa) đã được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thẩm tra, tương ứng với tổng số kinh phí cần cấp từ ngân sách Trung ương khoảng 10.654 tỷ đồng. Giai đoạn 1 (2013-2017), Bộ Tài chính đã cấp 2.516 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để thực hiện hỗ trợ cho 80.000 hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở (gồm 57.962 hộ xây mới và 22.038 hộ sửa chữa).

Giai đoạn 2 (2017-2018), thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 25/7/2017 của Chính phủ về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg, tháng 01/2018, Bộ Tài chính đã cấp đủ 8.140 tỷ đồng cho các địa phương để hoàn thành dứt điểm hỗ trợ cho 313.707 hộ còn lại (gồm 126.733 hộ xây mới và 186.974 hộ sửa chữa). Tính đến hết tháng 4/2018, cả nước đã hoàn thành hỗ trợ được 121.361 hộ (với 63.738 hộ xây mới và 57.623 hộ sửa chữa); đang thực hiện hỗ trợ cho 6.720 hộ (với 2.334 hộ xây mới và 4.386 hộ sửa chữa); tổng số hộ đã và đang thực hiện hỗ trợ là 128.081 hộ (đạt tỷ lệ 32,5%).

Theo bà Đỗ Thị Hồng Hà, Phó Cục trưởng Cục Người có công, việc triển khai có hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở cho gia đình người có công vừa thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, vừa góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy công cuộc giảm nghèo. Những năm qua, mỗi năm ngân sách Nhà nước bố trí hơn 30 nghìn tỷ đồng để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hơn chín triệu người có công trên cả nước. Hiện nay, cả nước có 98% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.

Cùng với chính sách của Đảng và Nhà nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, chỉ tính riêng từ năm 2013-2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động được gần 5.200 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước, với 63.523 sổ, tổng kinh phí gần 2,9 nghìn tỷ đồng; xây dựng mới hơn 44.650 nhà tình nghĩa, sửa chữa 40.760 nhà tình nghĩa trị giá hơn 10,7 nghìn tỷ đồng.

VÂN KHÁNH