Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

“Ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, tập trung giúp dân sớm khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống”

Song Vy - 23:32, 13/07/2022

Đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải tại chuyến đi kiểm tra thực tế tình hình sạt lở tại tuyến đê biển Tây và diện tích lúa, hoa màu bị thiệt hại do tình hình thời tiết cực đoan, mưa lớn kéo dài, triều cường dâng cao, kèm theo sóng lớn vào chiều ngày 13/7.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (người đứng thứ 2 từ phải qua) đã đến kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp khắc phục thiệt hại tại đê biển Tây
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (người đứng thứ 2 từ phải qua) đã đến kiểm tra, chỉ đạo trực tiếp khắc phục thiệt hại tại đê biển Tây

Theo đó, Bí thư tỉnh ủy và Đoàn công tác đã đến kiểm tra công tác hộ đê tại khu vực Hòn Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây. Đây là khu vực đê không còn rừng phòng hộ, sóng biển đánh trực tiếp vào thân đê. Những ngày qua, do sóng lớn kết hợp với triều cường đã xảy ra tình trạng sạt lở đặc biệt nghiêm trọng, cũng như nước biển đã tràn qua mặt đê với chiều dài khoảng 300m, nguy cơ vỡ đê cao.

Hiện tại khu vực này đang được huy động lực lượng, trang thiết bị và phương tiện để tiến hành hộ đê. Không chỉ có khu vực Đá Bạc, nhiều đoạn trên tuyến đê biển Tây, mà hiện tại vành đai rừng phòng hộ còn rất mỏng, thậm chí nhiều đoạn sạt lở đã tới chân đê, uy hiếp trực tiếp đến an toàn đê.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (người đứng giữa áo trắng) kiểm tra sạt lở đê biển Tây
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (người đứng giữa áo trắng) kiểm tra sạt lở đê biển Tây

Tại đoạn đê biển Tây thuộc địa bàn huyện Trần Văn Thời, triều cường có khi dâng cao khoảng 1,7 m, gần bằng mặt đê. Hiện có 3 vị trí thuộc địa bàn xã Khánh Bình Tây, bị sạt lở với tổng chiều dài khoảng 110m, trong đó có 30m đặc biệt nguy hiểm. Để tạm thời ứng phó, các lực lượng tại chỗ cùng với sự chi viện của huyện đã tiến hành các giải pháp kè hộ đê khẩn cấp bằng cừ tràm và đá tảng.

Kiểm tra các vị trí sạt lở ở đê biển Tây, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng, khẩn trương huy động nguồn lực gia cố bờ đê nhằm hạn chế tình trạng nước dâng do triều cường, gây sạt lở. Đồng thời, động viên tinh thần lực lượng làm nhiệm vụ đang tích cực gia cố các điểm sạt lở.

“Địa phương cần tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, đặc biệt là tập trung rà soát triển khai thực hiện các phương án phòng, chống thiên tai theo kế hoạch đã đề ra. Từ đây đến cuối năm sẽ tiếp tục còn nhiều cơn bão cũng như áp thấp nhiệt đới. Do đó, các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền, cảnh báo và hướng dẫn Nhân dân biết giải pháp phòng tránh. Tại những khu vực có nguy cơ, cần có kế hoạch di dời, cũng như tiếp tục hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, gia cố đê bao nhằm hạn chế tối đa thiệt hại”, ông Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (người bìa trái) kiểm tra mức độ thiệt hại của cánh đồng lúa tại huyện Trần Văn Thời
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải (người bìa trái) kiểm tra mức độ thiệt hại của cánh đồng lúa tại huyện Trần Văn Thời

Đê biển Tây tỉnh Cà Mau dài khoảng 108 km, thuộc địa bàn 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh. Tuyến đê có vị trí trọng yếu bảo vệ hơn 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và hàng ngàn hộ dân, ngoài ra còn có ý nghĩa quan trọng về quốc phòng - an ninh.

Theo Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chiều ngày 13/7, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh, thiên tai làm 2 tàu cá và 6 phương tiện khai thác thủy sản ven bờ bị chìm; 1 người chết; 1 người bị thương; 81 vị trí ven sông bị sạt lở với tổng chiều dài 1.728m (trong đó có 484m lộ bê tông); 1.163 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng (trong đó: sập 158 căn; tốc mái 981 căn; hư hỏng 24 căn); sập 3 cây cầu bê tông; ngã đổ 23 cây gỗ lớn, 18 trụ điện; ngập tràn 0,56 ha diện tích nuôi tôm siêu thâm canh; thiệt hại 168 ha muối; sập 695 ha lúa và ngập 765 căn nhà... Ước tổng thiệt hại về tài sản gần 15 tỷ đồng.