Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Ưu tiên đầu tư phát triển giao thông miền núi: Tạo sức bật phát triển kinh tế

PV - 16:25, 19/03/2018

Những ngày trung tuần tháng Bảy, về lại các huyện miền núi Quảng Ngãi, chạy xe trên những con đường được thảm nhựa hoặc bê tông phẳng lì uốn quanh những cánh rừng già bạt ngàn, những khu vườn xum xuê cây trái, mới cảm nhận được hết cuộc sống của bà con đang đổi thay từng ngày nhờ những con đường thông thương, thuận lợi…

Tạo sự đột phá từ giao thông

Xác định hạ tầng giao thông (HTGT) yếu kém là nguyên nhân, rào cản quan trọng đối với mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt là công tác giảm nghèo ở 6 huyện vùng cao của tỉnh, tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung đầu tư, phát triển HTGT ở 6 huyện miền núi trong giai đoạn 2010–2015 và những năm tiếp theo.

Lực lượng vũ trang huyện Ba Tơ giúp dân làm đường giao thông nông thôn. Lực lượng vũ trang huyện Ba Tơ giúp dân làm đường giao thông nông thôn.

 

Theo đó, hàng trăm tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và huy động từ sức dân đã được các địa phương vận dụng, với tổng vốn đầu tư cho kết cấu HTGT trên địa bàn khoảng 12.970 tỷ đồng. Trong đó, vốn dành cho phát triển HTGT miền núi chiếm khoảng 1/4. Để rồi, sau 5 năm hàng ngàn ki-lô-mét đường giao thông miền núi từ đường tỉnh, huyện đến đường xã, đường liên thôn, xóm đã được đầu tư bê tông, nhựa hóa kiên cố.

Minh chứng là con đường qua xã Sơn Tinh, huyện Sơn Tây. Từ bao đời, người dân trong xã phải đi lại trên con đường đất nhỏ hẹp. Từ nguồn ngân sách, huyện Sơn Tây đã đầu tư nhựa hóa tuyến đường này, với chiều dài 31km. Từ ngày có con đường mới, giao thương thuận lợi, diện mạo của Sơn Tinh đã thay đổi rõ rệt.

Gần đây nhất, Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi đã đầu tư giai đoạn 1 tuyến đường liên huyện, nối xã Sơn Tinh-Sơn Thượng nhằm rút ngắn khoảng cách giữa miền núi và đồng bằng. Trên con đường này, xuất hiện hình ảnh người dân đi xe ô tô tải đến từng chân rẫy, từng ngõ xóm để thu keo, lồ ô. Phía xa, cây cầu Nước Kỉa bắc qua suối Nước Kỉa dài hơn 40m đã nối bờ vui.

Không dấu nổi vẻ vui mừng, ông Đinh Văn Phiên, một người dân ở xóm Ông Viết, xã Sơn Thượng chia sẻ: Điều làm chúng tôi sung sướng nhất, là cây cầu Nước Kỉa đã xóa đi cảnh “ngăn sông cấm chợ” bấy lâu nay. Bây giờ không còn cảnh cả làng kéo nhau ra suối... tìm người bị nước cuốn trôi khi lội bộ qua suối nữa.

Tương tự, trong các huyện miền núi của Quảng Ngãi, thì Ba Tơ có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là HTGT chưa hoàn thiện. Đây là rào cản ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu mà huyện đề ra. Để khắc phục, những năm qua, huyện Ba Tơ đã đẩy mạnh huy động các nguồn lực để vực dậy HTGT.

Theo báo cáo của UBND huyện Ba Tơ, toàn huyện có khoảng 430km đường giao thông. Trong 5 năm qua, tổng kinh phí đầu tư cho HTGT gần 456 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 213 tỷ đồng, tỉnh 35,6 tỷ đồng, huyện 13,6 tỷ đồng, xã 820 triệu đồng, vốn ODA 66,4 tỷ đồng, vốn khác 122 tỷ đồng…

Vẫn chưa đáp ứng nhu cầu

Với những kết quả đạt được có thể khẳng định, HTGT giữ vai trò quan trọng để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. HTGT đồng bộ sẽ tạo điều kiện khai thác tài nguyên thiên nhiên là thế mạnh của miền núi như, hình thành các nông, lâm trường; thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp, đô thị; thu hút dân cư từ đồng bằng lên miền núi lập nghiệp; thúc đẩy sự phân công lao động, hình thành cơ cấu kinh tế miền núi... Theo đó, các hoạt động dịch vụ như văn hóa, y tế, giáo dục cũng có điều kiện phát triển.

Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu phát triển của các địa phương, cần phải có sự đầu tư nhiều hơn nữa. Theo ông Đinh Quang Ven, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, dù HTGT của huyện đã có nhiều thay đổi so với trước đây, nhưng vẫn chưa đủ để đưa Sơn Tây bứt phá.

Trong đó, điểm mấu chốt nhất là nguồn vốn bố trí đầu tư cho HTGT chưa kịp thời, còn thấp so với nhu cầu. Nguồn lực của huyện còn hạn chế, nên cần những hỗ trợ từ ngân sách tỉnh và Trung ương.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Khmer ở Bạc Liêu

Chương trình MTQG 1719 với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Khmer ở Bạc Liêu

Những địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống ở tỉnh Bạc Liêu còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của đồng bào Khmer. Từ năm 2021 đến nay, Chương trình MTQG 1719 là nguồn lực quan trọng, “tiếp sức” cho tỉnh Bạc Liêu thực hiện mục tiêu “kép”, vừa bảo tồn, vừa phát huy giá trị văn hóa của đồng bào Khmer để phát triển du lịch.