Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Hoàng Quý - 3 giờ trước

Sáng 22/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều, quy định về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, áp dụng đối với người học là trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 5 tuổi trong các cơ sở giáo dục mầm non (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non có vốn đầu tư nước ngoài) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo Dự thảo Nghị quyết, các nội dung cần được quy định cụ thể trong cơ chế, chính sách bao gồm: Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu; bảo đảm đội ngũ giáo viên mầm non theo định mức quy định; bảo đảm đầy đủ kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập;

Đồng thời, bổ sung, sửa đổi các chính sách đối với trẻ em; đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên cấp học mầm non; chính sách đột phá về đầu tư phát triển giáo dục mầm non; ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, biên giới, bãi ngang ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất; nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa và các chính sách phát triển giáo dục mầm non phù hợp quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, Chính phủ sẽ bảo đảm nguồn lực tài chính thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em từ 3 đến 5 tuổi, trong đó, ngân sách nhà nước bổ sung tăng thêm ngoài 20% tổng chi cho giáo dục, đào tạo theo Luật Giáo dục và nguồn vốn xã hội hóa giáo dục và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi với những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.

Về mục tiêu và nguyên tắc thực hiện, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và nguyên tắc của dự thảo Nghị quyết; tán thành mục tiêu đến năm 2030 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội tán thành giao Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách để thực hiện Nghị quyết. Có ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, làm rõ quy định về đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu để tránh trùng lặp với các chương trình, đề án đang triển khai.

Về kinh phí thực hiện Nghị quyết, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội đề nghị đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, bổ sung đánh giá kỹ lưỡng nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, nhất là các địa phương có điều kiện khó khăn; đề nghị Chính phủ xem xét bố trí nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết do ngân sách Trung ương hỗ trợ tăng thêm ngoài tổng chi ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục.

Tin cùng chuyên mục
Thủ tướng: Quyết tâm cơ bản hoàn thành tháo gỡ "điểm nghẽn" thể chế ngay trong năm 2025

Thủ tướng: Quyết tâm cơ bản hoàn thành tháo gỡ "điểm nghẽn" thể chế ngay trong năm 2025

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cần tập trung nguồn lực, quyết tâm cơ bản hoàn thành việc tháo gỡ những "điểm nghẽn" do quy định pháp luật ngay trong năm 2025, đồng thời đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật, chuyển từ tư duy "quản lý" sang "phục vụ", từ bị động sang chủ động, linh hoạt kiến tạo sự phát triển.