Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Ủy ban Dân tộc trả lời kiến nghị cử tri

PV - 10:34, 17/08/2019

Làm thế nào để khắc phục những khó khăn, hạn chế, đưa ra các giải pháp hiệu quả nhằm phát triển nhanh, bền vững vùng DTTS và miền núi luôn là sự quan tâm, trăn trở của các cấp, các ngành, của đông đảo đồng bào và cử tri trong cả nước, đặc biệt là cử tri ở vùng DTTS và miền núi. Trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV (diễn ra từ 20/5-14/6/2019), cử tri ở nhiều địa phương cũng đã có những đề xuất, kiến nghị hết sức trách nhiệm về lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc gửi tới lãnh đạo Ủy ban Dân tộc. Tại số báo 1544 ra ngày 16/8/2019, Báo Dân tộc và Phát triển đã trân trọng đăng tải nội dung trả lời của Ủy ban Dân tộc về những kiến nghị của cử tri tỉnh Bắc Kạn và Quảng Nam về vấn đề xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc với các bộ ngành thực hiện chính sách dân tộc; kinh phí duy tu bảo dưỡng công trình 134, 135. Trong số báo này, Báo Dân tộc và Phát triển tiếp tục chuyển đến bạn đọc nội dung trả lời của Ủy ban Dân tộc đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai.

Cử tri tỉnh Lào Cai kiến nghị cần có chế tài đối với tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết; điều chỉnh mức vốn, đầu tư hỗ trợ của Chương trình 135.

Ủy ban Dân tộc nhận được Văn bản số 200/BDN ngày 12/6/2019 của Ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Lào Cai trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV.

Đối với kiến nghị: “Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng DTTS diễn ra phức tạp, làm giảm chất lượng dân số, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực. Đề nghị Chính phủ có chế tài đủ sức răn đe và xử lý nghiêm đối với những đối tượng tổ chức cưới tảo hôn cho những người chưa đủ tuổi kết hôn”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến gặp gỡ cử tri xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến gặp gỡ cử tri xã Quyết Thắng, huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.

Sau khi nghiên cứu, Ủy ban Dân tộc có ý kiến như sau:

Tại Khoản 1 Điều 47 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định về mức xử phạt hành chính đối với hành vi tổ chức tảo hôn như sau: “Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn”. Mặt khác, tại Điều 183 Bộ luật Hình sự 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 quy định xử phạt về Tội tổ chức tảo hôn như sau: “Người nào tổ chức việc lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đến tuổi kết hôn, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm”.

Như vậy, đối với những đối tượng tổ chức cưới tảo hôn cho những người chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 pháp luật đã có chế tài xử phạt rất cụ thể, rõ ràng và nghiêm minh (xử phạt hành chính và xử lý hình sự) để răn đe, ngăn ngừa hành vi vi phạm quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình. Do vậy, đề nghị các cơ quan liên quan cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho công dân về Luật Hôn nhân và Gia đình cũng như các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm, đồng thời cần có biện pháp ngăn ngừa, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đối với kiến nghị: “Quyết định 551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn, quy định mức vốn, đầu tư hỗ trợ là 1,5 lần so với định mức vốn năm 2013. Cử tri đề nghị Chính phủ điều chỉnh mức vốn, đầu tư hỗ trợ tăng lên 2,0 lần so với định mức vốn năm 2013, vì chi phí đầu tư cao do địa hình miền núi phức tạp, diện tích rộng, giao thông không thuận tiện”.

Tuyên truyền là giải pháp hiệu quả đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Tuyên truyền là giải pháp hiệu quả đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết.

Sau khi nghiên cứu, Ủy ban Dân tộc có ý kiến như sau:

Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 được phê duyệt tại Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020”. Trên cơ sở nguồn vốn được quy định tại Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 và số xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135. Định mức phân bổ cho các xã, thôn cụ thể:

+Đối với vốn đầu tư phát triển phân bổ bình quân khoảng: 1.000 triệu đồng/xã/năm và 200 triệu đồng/thôn/năm.

+Đối với sự nghiệp phân bổ bình quân khoảng: 400 triệu đồng/xã và 25 triệu đồng/thôn (bao gồm kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, duy tu bảo dưỡng).

Với nguồn lực như trên đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân vùng dân tộc và miền núi, tuy nhiên nguồn lực vẫn còn rất hạn chế so với nhu cầu đặc biệt đối với các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Để tiếp tục đầu tư, hỗ trợ nhằm phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc và miền núi nói chung và các xã, thôn đặc biệt khó khăn nói riêng, Thủ tướng Chính phủ giao cho Ủy ban Dân tộc phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trong đó có Chương trình 135, dự kiến sẽ thu gọn diện đầu tư của Chương trình 135, đồng thời tăng nguồn lực đầu tư sẽ tăng hơn so với giai đoạn hiện nay, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trên đây là ý kiến trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Uỷ ban Dân tộc xin gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai và Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp.

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM 

 ĐỖ VĂN CHIẾN

 

Tin cùng chuyên mục
“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

“Đắk Lắk đã chuyển mình, vươn lên mạnh mẽ, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên”

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Lễ kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), diễn ra tối 22/11. Tham dự Lễ kỷ niệm có Mẹ Việt Nam Anh hùng Thái Thị Tài; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr và lãnh đạo các bộ ngành, các tỉnh bạn, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ.