Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đăk Nông: Nguy cơ hạn hán cao giữa vùng nhiều hồ đập

Lê Hường - 13:58, 02/03/2020

Thời tiết nắng nóng kéo dài từ đầu mùa khô đến nay khiến tình trạng thiếu nước tưới đang diễn ra ở nhiều địa phương của tỉnh Đăk Nông. Mặc dù trên địa bàn tỉnh có 238 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế khoảng 135 triệu m3 nhưng hiện Đăk Nông đang đối diện với nguy cơ hạn hán cao.

Hồ đập nông trường Đăk Gằn huyện Đăk Mil cạn nước
Hồ đập nông trường Đăk Gằn huyện Đăk Mil cạn nước

Năm 2016, hồ thủy lợi nông trường Đăk Gằn (huyện Đăk Mil) được cải tạo, nâng cấp với kinh phí đầu tư gần 8 tỷ đồng. Sau khi cải tạo, nâng cấp, công suất hồ chứa được nâng lên gần 65.000m3, tăng gấp đôi so với trước đây. Nhưng có mặt tại đây vào ngày 24/2, chúng tôi thấy, lòng hồ đã khô cạn đáy, chỉ còn vũng nhỏ do người dân nạo nét để tích nước. 

Sống gần đập nông trường Đăk Gằn, bà Lê Thị Liên, thôn Sơn Trung, cho biết: Nhà bà có 2,5ha rẫy, nguồn nước tưới hoàn toàn phụ thuộc vào hồ. Năm 2014 và 2015 hạn nặng, hồ cạn sạch nước, gia đình bà phải chủ động múc 2 cái ao và khoan 1 giếng khoan, nhưng nước ít nên tưới cũng chẳng được bao nhiêu. Nhiều nhà có rẫy gần hồ mà phải đi mua nước giếng trong dân với giá cao để tưới cứu cây trồng. “Sau đó, hồ này được cải tạo, đào sâu lòng hồ cứ tưởng không phải lo chuyện nước tưới nữa, ai ngờ năm nay mới giữa tháng 2 hồ đã cạn nước rồi”, bà Liên thở dài nói.

Hồ thủy lợi nông trường là 1 trong 3 công trình thủy lợi trên địa bàn xã Đăk Gằn. Theo báo cáo của UBND xã, hiện 2/3 hồ đã cạn khô, trơ đáy; hồ còn lại còn nước nhưng chỉ phục vụ nước tưới cho 1 thôn của xã Đăk Gằn và một phần diện tích của xã Trúc Sơn, huyện Cư Jut.

Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Đăk Gằn cho biết: “Xã có hơn 7.600ha cây trồng, chủ yếu cây công nghiệp, cây ăn trái, nhưng đến nay nguồn nước bắt đầu khan hiếm. Chúng tôi vận động người dân nạo vét ao hồ, tận dụng tối đa nước trữ trong ao hồ nhà và nước giếng khoan”.

Xã Đăk Gằn được đánh giá là địa phương thường xảy ra hạn hán nặng nhất huyện Đăk Mil. Theo báo cáo của UBND huyện Đăk Mil, toàn huyện có 42 công trình hồ đập thủy lợi, đến nay đã có 5 hồ cạn nước, gần 20 công trình không đủ nước tưới đợt 3. 

Ông Nguyễn Bá Chín, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Mil cho biết, dự kiến đến cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020 vẫn chưa có mưa, trên địa bàn huyện sẽ có khoảng 4.766ha cây trồng thiếu nước tưới và khoảng 732 hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt. 

Không chỉ riêng huyện Đăk Mil mà ở nhiều địa phương khác của tỉnh Đăk Nông cũng đang đối diện với nguy cơ thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất. Tại huyện Krông Nô, đến nay đã có hơn 300ha cà phê tại xã Nam Xuân và xã Đăk Sôr; khoảng 20ha lúa và cây ngắn ngày ở khu vực đèo 34 (thôn Nam Xuân, xã Nam Xuân) thiếu nước tưới do nắng nóng kéo dài, nguồn nước từ nhiều khe suối, ao hồ đã cạn kiệt. 

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Đăk Nông, mùa khô năm nay sẽ khắc nghiệt hơn so với mấy năm trước, các huyện phía Bắc gồm Cư Jut, Krông Nô, Đăk Mil nguy cơ hạn hán cao. Nếu tình trạng nắng nóng tiếp tục kéo dài, dự báo trong 2 tháng tới ở các huyện này sẽ có khoảng gần chục nghìn ha cây trồng thiếu nước tưới. 

Được biết, toàn tỉnh Đăk Nông có 238 hồ chứa với tổng dung tích thiết kế khoảng 135 triệu m3, nhưng đến nay hàng chục hồ đập đã hết nước, nhiều hồ đập khác dung tích rất thấp. Để tránh cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Đăk Nông triển khai nâng cao tràn tại 24 công trình hồ đập, nạo vét, sửa chữa thường xuyên 63 công trình thủy lợi, điều tiết nguồn nước bằng cách trung chuyển và vận động người dân tưới tiết kiệm để cây trồng không bị thiếu nước tưới.

Tin cùng chuyên mục
Tổng công ty Điện lực miền Bắc huy động toàn bộ nhân lực hỗ trợ các Công ty Điện lực ngay khi bão số 3 đi qua

Tổng công ty Điện lực miền Bắc huy động toàn bộ nhân lực hỗ trợ các Công ty Điện lực ngay khi bão số 3 đi qua

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc Đỗ Nguyệt Ánh vừa chỉ đạo Ban điều hành Tổng công ty kịp thời tổng chỉ huy điều động nhân lực, vật lực từ tất cả đơn vị trong EVNNPC để hỗ trợ các Công ty Điện lực khắc phục hậu quả ngay khi cơn bão số 3 đi qua. Việc điều động sẽ được bố trí rạch ròi, kịp thời theo các khu vực phù hợp với mức độ ảnh hưởng khác nhau, đảm bảo tổ chức khoa học và hiệu quả.